Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng là động lực mạnh mẽ để chúng ta kết nối toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Thực tế trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tập trung xây dựng, đề xuất một số chính sách cụ thể như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao…
Qua đó nhằm hướng đến mục tiêu gia tăng về chất lượng và giá trị của hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế; và để từ đó sản xuất lúa an toàn hướng đến thị trường quốc tế.
Trong bài 1 loạt bài “Tận dụng thời cơ vàng cho xuất khẩu gạo”, nhóm PV VOV sẽ phân tích lợi thế, sự thay đổi trong phương thức sản xuất của người dân “vựa lúa” đã nhìn nhận và từng bước nâng tầm giá trị, thương hiệu ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Vừa thu hoạch xong diện tích lúa Hè Thu, các thành viên trong hợp tác xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp khẩn trương xuống giống vụ lúa Thu Đông năm 2023.
Diện tích sản xuất lúa vụ này của hợp tác xã hơn 900 ha, tập trung chủ yếu vào giống lúa thơm, đặc sản như OM 18, OM 380 để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
ĐBSCL là nơi đóng góp lớn vào xuất khẩu gạo của cả nước |
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc hợp tác xã Bình Thành, những năm gần đây thương hiệu gạo của Việt Nam luôn được khẳng định trên thị trường thế giới.
Để có được thành quả trên là người dân trong vùng ĐBSCL đã tập trung canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học, sử dụng những giống chất lượng cao, đặc sản để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân đã cùng hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu, chính điều này đã từng bước khẳng định được thương hiệu của ngành hàng lúa gạo.
Ông Nguyễn Văn Đời cũng cho biết, hiện nay hợp tác xã đang tập trung chăm sóc vụ lúa Thu Đông với tâm thế giá lúa ở mức cao và trước những cơ hội để khẳng định hơn nữa uy tín, vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi một số quốc gia đang hạn chế, cấm xuất khẩu lúa gạo thời gian qua.
Theo ông Đời: “Thu Đông này OM 18 chiếm khoảng 70%, còn lại OM 380. Cũng có chia sẻ với một số nông dân tôi hy vọng giá lúa sẽ tăng cao hơn là vụ Hè Thu, thành ra dân người ta cũng cố gắng chăm sóc tỉ mỉ để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất”.
Giá lúa ở ĐBSCL nhộn nghịp khi tăng từng ngày |
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết, lúa thu đông của gia đình được 50 ngày, giờ đã có nhiều thương lái vào đặt cọc với giá từ 6.500 – 7.000 đồng/kg nhưng chưa bán. Theo nhận định giá lúa còn tăng cao và tín hiệu xuất khẩu đang khởi sắc.
“Năm nay giá lúa cũng chấp nhận được, giá cả thị trường tăng cao ổn định ở mức độ này thì người dân rất là phấn khởi” – ông Tùng chia sẻ.
Vụ lúa Thu Đông năm nay Cần Thơ xuống giống hơn 62.000 ha lúa, hiện nay khoảng 50% diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng và trổ bông.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, để nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo địa phương đã đẩy liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trong chuỗi ngành hàng.
Chính điều này đã nâng cao giá trị của ngành lúa gạo, giá bán ổn định và hơn hết là khẳng định thương hiệu gạo của Việt Nam.
Ông Nghiêm cũng cho biết thêm: “Xác định quy hoạch những vùng sản xuất lúa có điều kiện thuận lợi để tập trung đầu tư các nguồn lực phát triển hạ tầng nâng cao điều kiện kỹ thuật, thúc đẩy chuỗi liên kết.
Thực hiện các giải pháp để đảm bảo lúa được an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với từng bước minh bạch hóa quá trình sản xuất bằng các nhật ký sản xuất, truy suất được nguồn gốc và cái vấn đề mấu chốt là sự liên kết giữ bà con các hợp tác xã cùng doanh nghiệp kết nối để tạo ra mối liên kết ngày càng chặt chẽ”.
Vụ lúa Hè Thu năm nay người dân phấn khởi khi được mùa, được giá |
An Giang là địa phương sản xuất lúa gạo lớn của cả nước, năm nay dự kiến sản lượng của địa phương ước đạt khoảng 4 triệu lúa. Xuất khẩu ngành hàng lúa gạo thuận lợi nên người dân có lợi nhuận từ 1.100 đến hơn 2.000/kg.
Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, địa phương đã xuất khẩu hơn 340.000 tấn gạo với giá trị hơn 180 triệu USD, tăng cả về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ. Trong những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ lúa gạo giữa người dân với doanh nghiệp, điều này đã giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu, người dân an tâm sản xuất, từ đó nâng cao giá trị của ngành hàng lúa gạo.
“Về tình hình tiêu thụ lúa của các doanh nghiệp ký liên kết với hộ nông dân, vụ Hè Thu chúng tôi tổ chức cho 14 doanh nghiệp ký để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 64%, còn đối với thu đông có 13 doanh nghiệp và hầu như vụ Thu Đông các diện tích xuống giống của tỉnh An Giang các doanh nghiệp ký khoảng 95%” – ông Huân cho biết.
Vùng ĐBSCL mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa |
Hiện nay, thị trường lúa gạo ở khu vực ĐBSCL sôi động khi giá lúa, gạo liên tục tăng. Vụ Hè Thu ở khu vực này vẫn đang được người dân tất bật thu hoạch và giá bán lúa tại ruộng được thương lái điều chỉnh tăng từng ngày. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng, một số loại gạo đã chạm ngưỡng 690 USD/tấn, đây là tín hiệu mừng đối với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
Hiện các địa phương trong vùng ĐBSCL đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, bền vững và đặc biệt là sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị ngành lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực cũng như xuất khẩu, khẳng định rõ vai trò, vị thế của ngành gạo Việt Nam trong thời gian qua.
Trong phần hai của loạt bài “Tận dụng cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo” chúng tôi sẽ phân tích sâu câu chuyện liên kết của thương nhân xuất khẩu gạo với người dân để cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo bền vững, khẳng định uy tín của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Thanh Tùng – Phạm Hải/VOV