Tháng 7 âl, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay cũng “chạy nước rút” sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường. Không khí mua sắm dịp này tại các chợ, siêu thị cũng đã trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn.
Các cơ sở sản xuất, chế biến tăng tốc sản xuất thực phẩm chay phục vụ thị trường rằm tháng 7 âl. |
Tháng 7 âl, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay cũng “chạy nước rút” sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường. Không khí mua sắm dịp này tại các chợ, siêu thị cũng đã trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn.
Cơ sở sản xuất đồ chay tăng tốc sản xuất
Những ngày đầu tháng 7 âl, không khí sản xuất tại Công ty TNHH Thuận Duyên Food (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) trở nên tất bật hơn: người nhanh tay vớt từng mẻ đậu nóng hổi, người tỉ mỉ xếp từng mẻ chao trắng phao, người cẩn thận dán tem vào từng hũ chao bắt mắt. Bên trong khu sản xuất, gần như chật kín sản phẩm chao, nước chấm, gia vị các loại đang chờ được đóng gói để vận chuyển kịp thời đến tay khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Giám đốc công ty, cho biết: “Công ty hiện có 15 sản phẩm gồm: chao môn, chao dừa, chao pha sẵn, chao béo, sa tế chay, tỏi ớt giấm đường, tương ớt mè…
Mùa Vu lan năm nay, để kịp làm đơn hàng, công ty đã thuê thêm 25 lao động thường xuyên và bắt đầu tăng ca từ 2 tháng trước để đáp ứng kịp đơn hàng cho khách. Hiện đơn hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường, doanh số tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Cả 2 xưởng sản xuất đang hoạt động hết công suất. Mỗi ngày công ty cung ứng cho thị trường 250 thùng chao và 50 thùng gia vị các loại nhưng vẫn không đủ nhu cầu thị trường”.
Trong khi đó, tại Làng nghề Tàu hủ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) cũng nhộn nhịp sản xuất. Theo ông Đinh Công Hoàng- Tổ trưởng Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa, mỗi ngày các lò của 32 hộ trong tổ hợp tác phải hoạt động hết công suất, sản xuất đa dạng sản phẩm gồm tàu hủ ky lá, cọng khô, cọng non, óc đậu, lưỡi trâu, cá cơm… để đáp ứng số lượng đơn hàng của khách tại khu vực miền Tây.
“Rằm tháng 7 âl là rằm lớn nhất năm nên đơn hàng tăng hơn 25% so với ngày thường, bước vào đầu tháng 7 âl năng suất bình quân của tổ hợp tác đạt gần 4 tấn/ngày, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương từ các khâu nấu đậu, vớt mành, đóng gói….”- ông Hoàng cho hay.
Tại các chợ, không khí mua sắm cũng nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Lê- đại diện Cơ sở sản xuất đậu hủ Hà Nội (Phường 4, TP Vĩnh Long): “So với rằm tháng 7 âl năm trước, sức mua các mặt hàng làm từ đậu nành năm nay giảm khoảng 30%, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Để tránh tình trạng giá nguyên vật liệu đầu vào gây ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, cơ sở đã chủ động chuẩn bị nguyên liệu từ 2 tháng trước. Mỗi ngày cơ sở chỉ sử dụng khoảng vài chục ký đậu để sản xuất đậu hủ trắng, đậu hủ chiên, chả đậu các loại, sữa đậu nành… hy vọng cận rằm sức mua sẽ tăng hơn”.
Hàng hóa dồi dào, giá biến động nhẹ
Theo ghi nhận tại các chợ, giá các mặt hàng rau củ, hoa trái, đồ cúng tăng khoảng 5-10% so với ngày thường, nhưng đảm bảo nguồn hàng dồi dào, không có tình trạng khan hàng, sốt giá.
Nhiều tiểu thương cho hay, bước vào mùa mưa và đầu rằm tháng 7 âl, giá một số loại rau củ rục rịch tăng, đặc biệt là các loại rau củ dùng để chế biến các món chay, như: rau ăn lá 35.000 đ/kg; củ cải đỏ 25.000 đ/kg; cải ngọt 18.000-20.000 đ/kg; khổ qua 15.000 đ/kg; củ cải trắng 15.000 đ/kg; bắp cải 12.000 đ/kg; đậu bắp 10.000 đ/kg… riêng nấm rơm đã có giá 100.000-150.000 đ/kg, tăng 20.000-50.000 đ/kg so với ngày thường. Các mặt hàng đồ chay chế biến sẵn cũng có giá ổn định.
Chị Nguyễn Thị Thúy- tiểu thương bán rau củ tại chợ Cua (chợ Long Châu- điểm Phường 4, TP Vĩnh Long), cho biết: “Sức mua rau củ có chiều hướng tăng nhẹ, dự đoán đúng ngày rằm giá rau sẽ nhích lên thêm 5.000-10.000 đ/kg. Nhưng do đây chỉ là một ngày lễ trong năm, cộng thêm thời tiết mưa nắng thất thường khiến rau khó bảo quản nên tôi vẫn cân nhắc không nhập hàng nhiều”.
Ngược lại, giá trái cây đang giữ mức ổn định. Cụ thể, bưởi da xanh (loại 1) 50.000 đ/kg; bưởi năm roi 30.000 đ/kg; quýt đường 70.000 đ/kg; nhãn 60.000 đ/kg; xoài 100.000 đ/kg; táo 90.000 đ/kg; lê 60.000 đ/kg; thanh long 30.000 đ/kg…
Cô Trần Thị Điệp- kinh doanh trái cây tại chợ Vĩnh Long (Phường 1, TP Vĩnh Long), cho biết: “Năm nay, mặc dù đã bước vào thời điểm kết thúc mùa thu hoạch của nhiều loại trái cây, nhưng sức mua vẫn chưa biến động nhiều. Để tăng sức hút, tôi đã sắp xếp, bày trí trái cây thêm đẹp mắt, lấy hàng ít nhưng phải đa dạng chủng loại để khách lựa chọn, trái cây nhập khẩu cũng có đầy đủ nhãn mác, thông tin trên bao bì”.
Đang chọn mua đồ chay, chị Lê Thanh Phương (Phường 3, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Thị trường đồ chay năm nay đa dạng, giá cả không biến động nhiều nên dễ chọn mua, chỉ có hoa tươi giá tăng nhiều nên tôi cũng cân đối chi tiêu”.
Càng đến gần rằm tháng 7 âl, thị trường thực phẩm chay, vật cúng càng sôi động. Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm đã qua sơ chế và chế biến sẵn tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, có cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các loại hoa cắt cành bắt đầu tăng mạnh do giá nhập vào cao, giá hoa hiện đã tăng 5.000-10.000 đ/bó so với ngày thường. Theo nhiều tiểu thương, mặc dù sức mua không tăng nhưng nhu cầu chưng hoa trong dịp lễ vẫn có, nếu giá hoa tiếp tục tăng cao sẽ gây khó khăn cho người bán vì người tiêu dùng sẽ phải đắn đo.
|
Bài, ảnh: SONG THẢO
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/phong-phu-thuc-pham-chay-dip-ram-thang-7-3186137/