Nguyễn Văn Bắc (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) với mong muốn khởi nghiệp tạo sinh kế mới cho bà con |
5 chàng trai 9X đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL bắt tay nhau cùng thực hiện dự án phát triển chuỗi giá trị nấm mối đen bền vững ứng dụng công nghệ cao với mong muốn tạo sinh kế mới cho cộng đồng. Với sức trẻ, nhiệt huyết và đam mê, các bạn đang hăng hái triển khai, phát triển dự án khởi nghiệp này.
Từ mong muốn tạo sinh kế cho cộng đồng
Gặp chúng tôi vào một ngày cuối tháng 7/2023, nhóm khởi nghiệp gồm Nguyễn Văn Bắc (Vĩnh Long), Nguyễn Tuấn Anh (Sóc Trăng), Huỳnh Lương Nhân (TP Cần Thơ), Nguyễn Thanh Quý và Lâm Thanh Hiền (An Giang), hào hứng cho biết, dự án bắt đầu triển khai cách đây tròn 1 năm và dần được mở rộng. Hiện, đã xong các thủ tục thành lập công ty.
Học cùng khóa 39 Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ), sau khi ra trường và đều đã đi làm, nhóm “bén duyên” với nấm mối đen và “càng làm thì càng đam mê lúc nào không hay”.
Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với dự án, chàng trai xứ bưởi năm roi (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) Nguyễn Văn Bắc- hiện là giám đốc chi nhánh một công ty thép ở ĐBSCL, kể: “Vùng quê em chuyên trồng bưởi năm roi nhưng có thời gian nước mặn xâm nhập gây hại tới nguồn nước và đất nên cây bưởi “xuống” dữ lắm, năng suất bị suy giảm nhiều. Nhà vườn trồng bưởi bỏ thời gian, công sức… nhưng không thu được lợi nhuận. Do đó, em muốn tìm loại giống mới có thể canh tác mà không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, thời tiết…
Lúc bấy giờ, Tuấn Anh và Thanh Quý đang đi làm và hỗ trợ dự án phát triển cộng đồng, xây dựng mô hình sinh kế phát triển bền vững ở An Giang, em thấy hay quá nên muốn đem về Vĩnh Long phát triển mô hình này để có thể nhân rộng, giúp người dân tăng thu nhập”.
Lúc đầu, nhóm trồng thử nghiệm 1.000 phôi đầu tiên với trại nấm chỉ 30m2, thấy thành công, nên tiếp tục nhân rộng. Hiện đã mở rộng lên 200m2, canh tác khoảng 20.000 phôi. Đồng thời, liên kết với các trại nấm (tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm) với số lượng khoảng 80.000 phôi.
Nhóm cho biết, vốn đầu tư vào dự án khoảng 400 triệu đồng. Từ thời điểm phôi vào nhà trồng tới khi cho đợt nấm đầu tiên khoảng 1 tháng, thu hoạch mỗi ngày trong vòng 3-3,5 tháng. Có thể trồng 2 vụ/năm, có thời gian nghỉ giữa 2 vụ để khử trùng, vệ sinh… trại nấm.
Hiện, nhóm thu mua nấm từ các trại liên kết và bán sỉ cho các đối tác tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, các công ty chế biến, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi, cộng tác viên và một phần nhỏ bán lẻ ra thị trường. Giá bán sỉ khoảng 250.000 đ/kg, bán lẻ 300.000-350.000 đ/kg.
Trại nấm của gia đình bà Nguyễn Thị Thu (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong những cơ sở liên kết với nhóm dự án. Bà Thu cho biết, chỉ tính riêng chi phí đầu tư 6.000 phôi nấm là hơn 100 triệu đồng. Trồng nấm này đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng cho thu hoạch suốt mấy tháng, giá khá cao nên có hiệu quả. Mỗi ngày thu hoạch 5-6kg, cứ có nấm thì “a lô” nhóm tới lấy.
Muốn đi xa thì đi cùng nhau
Lúc đầu nhóm chỉ mua phôi về trồng nấm. Tuy nhiên, “nhận thấy sản xuất nấm mối đen rất khó, sau một thời gian thường bị dịch bệnh, khó canh tác…”. Chính vì vậy, nhóm đã tìm hiểu chuyên sâu, nghiên cứu quy trình kỹ thuật, bắt tay vào sản xuất giống.
Lương Nhân cho hay, thay vì chỉ bằng cảm quan và kinh nghiệm để đoán độ ẩm, nhiệt độ của môi trường, nhóm muốn sử dụng công nghệ hiện đại, có thiết bị đo chính xác. Tìm hiểu quy trình xây dựng, thiết kế nhà trồng để hạn chế dịch bệnh. “Các thiết bị công nghệ cao chúng em đã sử dụng cho nhà trồng rồi, đang nghiên cứu cải tiến thêm để mang lại hiệu quả. Đồng thời, đang sử dụng hệ thống để quản lý trại nấm qua điện thoại”.
Văn Bắc chia sẻ: thế mạnh của nhóm hiện nay là có thể phát triển chuỗi nấm mối đen “từ đầu tới cuối”: cung cấp phôi, xây dựng quy trình kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật trồng, bao tiêu sản phẩm. Định hướng sắp tới sẽ phát triển thêm sản phẩm chế biến.
Theo đó, các đối tác, doanh nghiệp lớn cần sản lượng lớn, ổn định cho những đơn hàng lớn. Cho nên, “nhóm xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp chọn hợp tác như một đối tượng mới”. Văn Bắc cũng cho rằng: “Tuổi trẻ cần mạnh dạn khởi nghiệp, thậm chí ở lĩnh vực hoàn toàn mới đối với bản thân, vô làm thì rút kinh nghiệm, sửa liên tục để tiến tới mục tiêu…”.
Tất cả đều xuất thân con nhà nông, học nông nghiệp và quyết định khởi nghiệp với mong muốn giúp cho bà con nông dân ở địa phương có thêm thu nhập. Tuy nhiên, “qua thời gian làm nấm mối, cùng phát triển dự án chúng em nhận thấy tiềm năng lớn. Càng nghiên cứu càng thấy có rất nhiều cái hay, nhiều mảng có thể mở rộng và hiện nay tất cả chúng em đều làm đúng đam mê của mình”- Thanh Quý chia sẻ.
Là người “chia việc” cho các thành viên trong nhóm, Tuấn Anh cho biết, mỗi người đảm nhiệm khâu khác nhau phù hợp với thế mạnh, sở trường và luôn tương tác, hỗ trợ nhau để đem lại hiệu quả tốt nhất. “Từ việc có tầm nhìn, mục tiêu chung, nhóm ngồi lại xây dựng kế hoạch. Qua đó, mỗi thành viên phấn đấu với tinh thần trách nhiệm, đảm bảo thời gian thực hiện”.
Tuấn Anh tâm sự: “Sau khi thấy được tiềm năng nấm mối đen công nghệ cao, bọn em đã thống nhất ngồi lại với nhau xây dựng chiến lược phát triển nấm mối lâu dài hơn. Không chỉ vì muốn làm giàu mà thông qua đó chúng em muốn phát triển ngày một lớn hơn, trở thành nguồn thu nhập chính và giải quyết việc làm cho nhiều người”.
Nhóm dự án thăm một trại nấm có liên kết ở TP Cần Thơ. |
Các thành viên của nhóm cũng cho rằng, cần tìm hiểu các chương trình, các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp của địa phương và các nguồn lực khác. Đồng thời, rất cần được tiếp cận các nguồn thông tin đó, được tham gia các chương trình và được tiếp sức để có những bước đi vững vàng, nhất là trong giai đoạn khởi đầu. Tìm kiếm nhiều nguồn lực để cùng đi với mình để thực hiện sứ mệnh tốt hơn như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” của tỷ phú người Mỹ- Warren Buffett.
Nhóm cho biết thêm, đang xây dựng thương hiệu Nấm mối Bình Minh; đưa sản phẩm, thương hiệu này vươn xa. Qua đó, nhằm biến giấc mơ tạo sinh kế mới cho cộng đồng xuất phát từ trăn trở của chàng trai Vĩnh Long, của những đứa con đồng bằng sớm thành hiện thực.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN