Người chăn nuôi giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát, gia trại, trang trại. |
Theo ngành nông nghiệp, tỉnh đã và đang định hướng chăn nuôi (CN) tập trung theo hướng công nghiệp. Ưu tiên các dự án trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp về con giống, mô hình CN trang trại, CN nông hộ theo hướng an toàn sinh học, xây dựng các cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, tỉnh duy trì và phát triển các mô hình CN gia cầm tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Cụ thể, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm phát triển mô hình liên kết theo chuỗi có khả năng phòng chống dịch bệnh, giảm phát thải khí nhà kính.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 51 trại thực hiện mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh với trên 1,9 triệu con, đầu tư hệ thống úm, làm mát, máng ăn, máng uống tự động; phương thức CN khép kín, xử lý bằng cách thu phân bán, dội rửa chuồng sau mỗi đợt xuất bán đến các ao lắng có lục bình để lọc nước trước khi thải ra sông rạch đã xử lý clorin; sử dụng thêm hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp thiết bị làm lạnh.
Bên cạnh đó, có 9 trại nuôi theo mô hình nuôi heo thịt trong chuồng lạnh, đầu tư khép kín, sử dụng vòi nước uống, máng ăn tự động, có hệ thống xử lý chất thải và có 1 trại sử dụng túi HDPE kết hợp sử dụng máy tách ép phân để sử dụng làm phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, CN gia cầm phát triển khá, chủ yếu do phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công có xu hướng tăng; thời gian CN rút ngắn, hiệu quả kinh tế đạt khá, từ đó người CN mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô tăng đàn, tái đàn…
Với các trang trại CN quy mô nhỏ, chủ cơ sở đều quan tâm ứng dụng giải pháp đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu an toàn về môi trường như: sử dụng đệm lót sinh học, hệ thống xử lý bằng hầm biogas, xử lý bằng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ, xử lý nước thải bằng oxy hóa…
Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít cho biết: Huyện đang tìm điểm triển khai các dự án gồm: “Phát triển giống heo chất lượng cao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025”, “Phát triển giống thủy sản tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2025”, “Hỗ trợ phát triển đàn bò sinh sản chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025” và mô hình “CN heo rừng lai sinh sản”.
“Huyện luôn chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho người dân giảm dần CN nhỏ lẻ chuyển sang CN có kiểm soát, gia trại, trang trại. Thúc đẩy CN theo hướng liên kết, liên doanh và sản xuất theo chuỗi hàng hóa.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện cũng phối hợp mở các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật CN, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong CN gia súc, gia cầm. Đặc biệt chỉ đạo tốt việc thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”- ông Dư cho biết thêm.
Theo bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm: Thời gian qua phòng phối hợp các ban ngành đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực CN theo hướng an toàn sinh học, VietGAP.
Cụ thể, năm qua, huyện đã duy trì mô hình nuôi gà thịt ở xã Tân Quới Trung với tổng quy mô 84.000 con/đợt nuôi, các mô hình CN gà thịt thương phẩm áp dụng quy trình nuôi khép kín, hệ thống điều hòa không khí, có hồ sơ môi trường theo quy định, hệ thống dây chuyền thức ăn, nước uống với quy mô CN 20.000-34.000 con/hộ/đợt nuôi, được Công ty TNHH TM Vietlight, Công ty Tuấn Phát và Công ty Greenfeed thu mua.
Bên cạnh đó, mô hình CN heo nái sinh sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 150 con nái ở xã Thanh Bình nhằm cung cấp heo con khỏe mạnh, ít dịch bệnh cho hộ gia đình CN và bán heo thịt.
Tuy nhiên, bà Lê Ngọc Yến cho hay: Ngành nông nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trong CN, đồng thời có nhiều mô hình CN cho hiệu quả kinh tế, nhưng do huyện Vũng Liêm đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế, nên cần đẩy mạnh CN theo các tiêu chuẩn.
Do đó, ngành CN cần phát triển theo hình thức trang trại quy mô lớn, an toàn và bền vững, đảm bảo cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu trên thị trường, đồng thời giảm dần hình thức CN manh mún, nhỏ lẻ.
Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành CN, phát triển ngành CN có lợi thế, tiếp tục nâng cao chất lượng con giống gia súc, gia cầm, CN theo hướng an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, VietGAP.
Phát triển CN trang trại và tuyên truyền, vận động hộ CN nhỏ, lẻ vào tổ hợp tác, HTX liên kết trong tiêu thụ, xây dựng mã QRcode truy xuất nguồn gốc trong CN đối với HTX, trang trại. Tăng cường công tác phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm để bảo vệ đàn vật nuôi. Duy trì và mở rộng các mô hình CN có hiệu quả kinh tế, giảm giá thành trong CN và sử dụng có hiệu quả chất thải trong CN để bảo vệ môi trường.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.074 trang trại CN; 158 cơ sở CN chim yến; có 55,8ha cá tra được chứng nhận VietGAP/ASC/BAP, có 1ha nuôi thủy sản được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở nuôi thủy sản lồng bè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với thể tích 7.128m2 và duy trì 1 cơ sở sản xuất giống cá tra 4,5ha đạt chứng nhận VietGAP, cung cấp 54 triệu con giống/năm; có 2 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu còn đang hoạt động, công suất thiết kế có khả năng tiếp nhận khoảng 150.000 tấn nguyên liệu/năm và sản xuất khoảng 70.000-80.000 tấn thành phẩm và 24 cơ sở an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết: Ngành tiếp tục phát triển theo hướng CN trang trại, hộ CN chuyên nghiệp từng bước ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả nguồn phụ phế phẩm CN, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong chuỗi sản phẩm CN; từng bước cơ cấu lại hệ thống cơ sở giết mổ mở rộng quy mô, đổi mới dây chuyền thiết bị đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
|
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-tap-trung-3186025/