Các HTX thủ công mỹ nghệ tại Vĩnh Long góp phần khai thác nguyên liệu tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho người dân. |
(VLO) Vì sao phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn? Đó là vấn đề đặt ra và đã nhận được nhiều câu trả lời thông qua các mô hình thực tế trình bày tại tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Bộ Nông nghiệp-PTNT vừa tổ chức.
Hội quán và Cây xoài nhà tôi
Từ câu chuyện thay đổi của thị trường và mong muốn nông dân tập hợp, cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã khởi xướng thành lập mô hình “Hội quán nông dân” tại tỉnh Đồng Tháp.
Đến nay, Đồng Tháp có hơn 130 hội quán với hơn 7.000 thành viên. Từ nền tảng hội quán đã có trên 30 HTX được thành lập.
Điển hình như Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thành lập năm 2016, đến nay có hơn 80 thành viên với mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa tầng gắn với du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp.
Nông dân xã Mỹ Xương thu hoạch xoài. |
Đáng chú ý là dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”, cho phép ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm facefarm; triển khai nhật ký điện tử; xây dựng ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh…
Nông dân Trần Phú Hậu- thành viên hội quán, cho biết: “Với 5.000m2 vườn xoài nhà tôi vừa sản xuất xoài an toàn theo hướng hữu cơ và tận dụng những khoảng trống để trồng rau nuôi thỏ, lấy phân thỏ ủ phân hữu cơ bón lại cho cây xoài, dưới ao tận dụng phế phẩm từ trái xoài để nuôi ốc bươu đen tăng thu nhập. Theo cách sản xuất đa tầng, mỗi năm tôi thu hoạch trên dưới 500 triệu đồng”.
Tháng 7/2022, Mỹ Xương đã ra mắt mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp với 4 hộ tham gia, phục vụ du khách tham quan trải nghiệm sản xuất nông nghiệp; UBND xã đã thành lập trang fanpage: Làng du lịch trải nghiệm nông nghiệp Mỹ Xương trên mạng xã hội Facebook và Zalo.
Trong thời gian tới, hội quán sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương để tham gia các mô hình sản xuất mới hiệu quả, góp phần chung tay xây dựng, phát triển xã NTM.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp. |
Thực tế cho thấy, các hình thức tổ chức cộng đồng đang hình thành và rất sinh động.
Ông Huỳnh Quang Huy- Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Thuận, cho biết, Bình Thuận có 172km đường biển, từng có nguồn lợi thủy sản lớn, là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước nhưng đến một giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.
“Năm 2015, có những đêm ngư dân làm suốt sáng không kiếm nổi 500.000đ nhưng bây giờ, có đêm kiếm được đến 10 triệu đồng từ thủy sản.
Đây là kết quả của việc người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, cụ thể là làm cội chà thả xuống biển để tôm cá có nơi phát triển”- ông Huy nói và cho rằng để phát triển quy mô của cách làm này, có thể huy động nguồn từ Quỹ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khuyến khích cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng, có thể phát triển du lịch sinh thái.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, dân tộc Tày, làm du lịch cộng đồng tại xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), chia sẻ về một số kinh nghiệm xây dựng, phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.
Từ mục đích ban đầu xây dựng làng với mong muốn bảo tồn giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống cùng văn hóa nhà sàn của dân tộc Tày, đến năm 2011, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức đi vào hoạt động du lịch, được du khách gần xa quan tâm và biết đến.
Hiện Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã trở thành ngôi nhà chung của hàng chục gia đình với hơn 150 người thuộc các dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Sán Chay, Kinh,…
Tháng 11/2017, bản làng được Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải “Là công trình có giá trị bảo tồn văn hóa truyền thống và giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc”.
Từ năm 2018-2023, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã 4 lần được vinh dự đón nhận giải thưởng Du lịch ASEAN.
Phát triển tư duy cộng đồng
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng.
Lấy ví dụ về nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó bão lũ, bộ trưởng đặt ra câu hỏi, mỗi năm mùa lũ đến đều có chỉ đạo từ Trung ương, huyện, xã xuống nông dân nhưng câu hỏi đặt ra là sao chúng ta chưa làm ngược lại?
“Vì sao chúng ta không để cho cộng đồng người dân tự lập kế hoạch phòng chống thiên tai, tập cho bà con lập kế hoạch.
Phát triển kinh tế tập thể tạo tiền đề cho liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng chuyên canh. |
Khi cộng đồng người dân đã làm hết sức thì mới tính đến lập kế hoạch vận động sự tham gia của xã hội. Tư duy nội lực từ dưới lên mới là tư duy bền vững”- Bộ trưởng nhận định. Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các hội quán để kích hoạt sự tham gia, tự chủ và tự lực của cộng đồng.
Ông Cao Đức Phát- nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nhấn mạnh “5 cần có”: Đó là nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng động về mục tiêu muốn hướng đến.
Sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển. Định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng. Cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện.
Đồng thời, phải có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình.
PGS.TS Trịnh Văn Tùng- Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cộng đồng.
Định hướng phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả
Tại Vĩnh Long, theo Kế hoạch số 56/KH-UBND về Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX năm 2024, tỉnh định hướng phát triển KTTT năng động, hiệu quả gắn với lợi thế lao động, thổ nhưỡng, tài nguyên bản địa; thích ứng linh hoạt với kinh tế thị trường, kinh tế số, biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, phát triển KTTT cả chiều rộng và chiều sâu; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm chủ lực của địa phương…
Toàn tỉnh hiện có 866 tổ hợp tác với khoảng 42.500 thành viên, 192 HTX với 9.050 thành viên, trong đó có 21 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.
|
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC