(VLO) Tại hội thảo “Khởi nghiệp (KN) trong lĩnh vực nông nghiệp xanh- kinh tế xanh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long”, nhiều nông dân, doanh nghiệp, bạn trẻ KN bày tỏ quan tâm đến các cơ chế, chính sách, hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển ý tưởng, dự án KN; phát triển sản xuất kinh doanh; đưa sản phẩm vươn xa trong thời gian tới.
Bạn trẻ chia sẻ, bày tỏ những vấn đề quan tâm tại một hội thảo về khởi nghiệp xanh. |
Cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Anh Nguyễn Thanh Việt- Giám đốc Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc, cho biết, hiện công ty đã phát triển nhiều sản phẩm như: bánh phồng, bánh quy, bánh nướng từ ngũ cốc, bánh trung thu, khoai lang sấy. Công ty đang vận hành sử dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và HACCP để đưa sản phẩm ra thị trường. Với những nỗ lực, các sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao, 4 sao và là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
Với những “trải nghiệm sau hơn 5 năm KN không toàn màu hồng, mà đầy khó khăn” anh Việt cho rằng “vấn đề tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng và cần chọn thị trường ngách để đi”.
Anh bày tỏ mong muốn, các ban, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ giới thiệu, sử dụng các sản phẩm OCOP để làm quà tặng, tăng cường truyền thông quảng bá để sản phẩm tiếp cận đi xa hơn.
Anh Việt cũng bày tỏ quan tâm các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, người KN quá trình sản xuất kinh doanh theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sẻ chia…
Cho biết vùng đất Bình Minh có các sản phẩm đặc trưng như tàu hủ ky, bưởi năm roi, thanh trà ngọt… ông Nguyễn Ánh Triệu- hội viên nông dân TX Bình Minh trăn trở “chương trình OCOP dựa trên lợi thế các sản phẩm đặc thù của địa phương nhưng xét về khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng thì Vĩnh Long cũng như các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Vậy làm sao để những sản phẩm OCOP của tỉnh tạo được dấu ấn riêng, cũng như nét đặc trưng so với những tỉnh, thành trong khu vực?”.
Anh Nguyễn Văn Cường- HTX Kinh tế vườn Hòa Ninh (huyện Long Hồ), thì nói chất lượng của sản phẩm OCOP đã được công nhận nhưng đưa ra thị trường thì cần bao bì đẹp. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng để sản phẩm có bao bì bắt mắt, thúc đẩy tiêu thụ, vào được siêu thị và các kênh bán hàng uy tín, xuất khẩu.
Sau thời gian KN và đọc nhiều sách liên quan đến KN, anh Trương Trí Triển- HTX Dịch vụ nông nghiệp đa ngành TP Vĩnh Long, đúc kết, quá trình KN cần có sự hỗ trợ của những người đi trước.
Đồng thời, cần có chính sách, hệ sinh thái hỗ trợ người KN, có sự kết nối của địa phương, trường học, doanh nghiệp, HTX… Anh Huỳnh Trần Tấn Vinh (Phường 8, TP Vĩnh Long) thì quan tâm đến việc thu hút giới trẻ tham gia vào những ngành học liên quan nông nghiệp xanh- kinh tế xanh trong bối cảnh hiện nay.
Thúc đẩy khởi nghiệp, đưa sản phẩm vươn xa
Những băn khoăn, trăn trở của các nông dân, doanh nghiệp và người KN… đã được lãnh đạo sở, ngành, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, giải đáp và gợi ý giải pháp tháo gỡ. PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi- Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, sắp tới cần thay đổi chương trình đào tạo.
Theo đó, để lĩnh vực nông nghiệp xanh phát triển thì không chỉ cần có kiến thức về nông nghiệp mà cần phải có kiến thức khác liên quan. Do đó, các ngành tích hợp rất quan trọng.
“Ví dụ ngành nông nghiệp đổi tên ngành nông nghiệp thông minh thì rõ ràng gắn với các giải pháp liên quan đến phát triển nông nghiệp xanh, công nghệ thông tin, kiến thức về môi trường…”.
Bên cạnh, trong chương trình đào tạo những ngành nông nghiệp công nghệ cao thì có những chương trình thực tập trải nghiệm, có sự kết nối với doanh nghiệp, địa phương. Đồng thời, cần truyền thông nâng cao nhận thức về hiệu quả của các ngành học, của chương trình đào tạo để thu hút giới trẻ tham gia.
Tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP… |
Về thiết kế bao bì, theo ThS Huỳnh Ngọc Thái Anh- giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường ĐH Cần Thơ), bao bì sản phẩm OCOP tại Vĩnh Long thời gian qua đã làm tốt tiêu chuẩn bao bì.
Tuy nhiên, bao bì còn thiếu 3 yếu tố: chưa nắm bắt được xu hướng thiết kế (mỗi năm, tiêu chuẩn cần có cái mới), công nghệ in ấn (mỗi loại vật liệu khác nhau có cách in, xử lý để nhận biết khác nhau…), thị hiếu thị trường. Theo đó, nên chọn những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất bao bì sản phẩm để thiết kế bao bì cho sản phẩm.
Về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh- kinh tế xanh, TS Nguyễn Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh Vĩnh Long hiện có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và có hiệu lực từ ngày 24/12/2022.
Theo TS Nguyễn Ngọc Thanh, từ các chính sách hỗ trợ giúp chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; áp dụng những giải pháp công nghệ để nâng hiệu quả sản xuất.
Đồng thời từng bước chuyển dần sang sản xuất sạch hơn… Khi áp dụng những quy trình sản xuất đó thì các yếu tố đầu vào phải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; sản phẩm chúng ta tạo ra sẽ thân thiện với môi trường.
TS Nguyễn Ngọc Thanh cho biết thêm, chỉ tính năm 2023, 2024, Chính phủ, Bộ nông nghiệp-PTNT đã có rất nhiều đề án, chương trình được ban hành như Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Đề án Quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng…
Qua đó, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất; quản lý sinh vật gây hại theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nâng tầm nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202412/nong-nghiep-xanh-kinh-te-xanh-nguoi-khoi-nghiep-quan-tam-nhung-van-de-gi-8fb0795/