(VLO) Theo ngành chức năng, việc ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), không chỉ giúp chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, mà còn giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường cho nông dân. |
Tăng cường thực hiện IPHM
Theo Trung tâm BVTV phía Nam (trực thuộc Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp-PTNT), mục tiêu chung của chương trình IPHM là tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, cho biết: IPHM đang được khuyến khích thực hiện. Việc phối hợp chặt chẽ các biện pháp từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại là cần được phối hợp chặt chẽ.
Trong kiểm soát sinh vật gây hại cây trồng có việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV hóa học có độ độc thấp.
Tại tỉnh Vĩnh Long, những năm qua, cùng với việc nghiên cứu cải tiến giống, áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, hiện đại nhằm từng bước nâng cao chất lượng, năng suất, nông dân đã áp dụng các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), IPHM trong quá trình chăm sóc cây trồng.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh (trực thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về IPHM; đào tạo, tập huấn cho các nông dân nòng cốt ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng.
Đồng thời, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực của tỉnh, tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật giảm giá thành trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Vì nền nông nghiệp bền vững
Theo ngành nông nghiệp, qua triển khai, chương trình IPHM phù hợp với giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Ngoài ra, việc ứng dụng IPHM giúp nâng cao nhận thức của nông dân, tạo ra sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
GS.TS Nguyễn Văn Tuất- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, cho hay: Nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Để phòng ngừa, bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng có khả năng kháng hoặc chống chịu, tăng cường dự báo tình hình phát sinh gây hại của các loài sinh vật mới, cần xây dựng quy trình IPHM trên các cây trồng chủ lực, quy trình quản lý sinh vật gây hại có nguồn gốc trong đất bằng các biện pháp không sử dụng thuốc hóa học.
Trong dài hạn, người sản xuất tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo dược, nhất là những thuốc sử dụng các hoạt chất chiết từ vi sinh vật thay vì sử dụng sinh vật sống. Đồng thời, cần có thêm những nghiên cứu về loại thuốc đặc trị cho máy bay không người lái, hoặc các loại thuốc BVTV nano nhằm tăng hiệu quả diệt trừ, giảm giá thành cho người dân.
Tại diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” vừa được tổ chức, ông Lê Văn Thiệt- Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho rằng: Các địa phương đã và đang triển khai thực hiện khá tốt đề án IPHM, tiền thân là chương trình IPM.
Chữ “H” trong chương trình là từ heath (sức khỏe), do đó, IPM còn phải chú ý đến sức khỏe của đất, môi trường, cây trồng và của nông dân.
IPHM là một chương trình toàn diện, tổng thể, là cơ sở, nền tảng để nông dân áp dụng, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
“Hiện nay, các hiện tượng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây trồng, đời sống người dân.
Nguy hiểm hơn, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho các loại sinh vật gây hại mới phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho sản xuất.
Do đó, để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các địa phương cần quan tâm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển và nhân rộng các mô hình, giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại.
Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa lượng vật tư hóa học, sử dụng tối ưu vật tư đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Để phát triển và nhân rộng chương trình IPHM, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể thành công”- ông Thiệt nhận định.
Theo kế hoạch hành động của Cục BVTV đến 2030 sẽ có trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Nhất là có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Mỗi tỉnh trồng các lại cây trồng trên có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh. Qua đó sẽ giảm 30% lượng thuốc BVTV và 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% số xã trồng các lại cây trồng trên thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/nong-nghiep/202412/nhan-rong-mo-hinh-quan-ly-suc-khoe-cay-trong-tong-hop-iphm-vi-nen-nong-nghiep-ben-vung-18366f5/