(VLO) Giá bán các loại thực phẩm như rau xanh, thịt heo, gia vị… tại các chợ đã rục rịch tăng giá khiến người tiêu dùng (NTD) cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong chi tiêu và thay đổi thói quen mua sắm.
Giá thực phẩm tăng, sức mua giảm
Giá một số loại rau ăn lá, rau gia vị có xu hướng tăng từ 5.000-10.000 đ/kg tùy loại so với tháng trước, trong đó có một số loại tăng giá mạnh như rau quế tăng từ 25.000 đ/kg lên 35.000-40.000 đ/kg; xà lách tăng từ 20.000 đ/kg lên 25.000 đ/kg; các loại rau cải ngọt, cải xanh, mồng tơi… cũng tăng trung bình từ 3.000-4.000 đ/kg.
Theo chị Lê Ngọc Bảo- tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Vĩnh Long: “Rau củ là thực phẩm dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa nhiều khiến chất lượng và sản lượng rau trồng tại vườn giảm, khi vận chuyển rau dễ bị giập nát, độ hao hụt cao nên giá bán đến tay NTD phải nhích lên để bù lỗ”…
Chị Trần Thị Tuyết Nhung- chủ tạp hóa Nhung Lan (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho hay: “Hiện giá đường, dầu ăn, cà phê, tiêu tăng cao hơn nhiều so với đầu năm nên tôi rất cân nhắc trong việc nhập hàng.
Giá đường tăng từ 220.000-230.000 đ/cây lên 260.000 đ/cây 12 ký. Còn một số loại dầu ăn thông thường như Cái Lân, Trường An đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay từ khoảng 150.000 đ/thùng lên khoảng 170.000 đ/thùng 5l”.
Sau những ngày mưa, không khí mua sắm tại một số chợ trầm lắng hơn vì lượng khách khá vắng. Tuy giá thịt heo không có nhiều biến động so với tháng trước, cụ thể như: giá thịt đùi 100.000 đ/kg, sườn bẹ 180.000 đ/kg, ba rọi 120.000-130.000 đ/kg, nạc 110.000-120.000 đ/kg… nhưng không ít tiểu thương vẫn lo lắng NTD sẽ “ăn chậm”, cô Bùi Kim Nhung- tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Vĩnh Long, chia sẻ: “Khách vào nhà lồng chợ đã ít, nay vì mưa ẩm ướt thì lại càng vắng hơn, thêm phần có nhiều cửa hàng tiện lợi nên cạnh tranh gay gắt.
Tôi bán được chủ yếu nhờ vào mối giao thịt cho các quán ăn, nhưng giờ số lượng thịt họ mua đã giảm, nên lượng thịt nhập về cũng giảm 30% so với tháng trước, tôi bán khoảng 100 kg/ngày nhưng thời gian ngồi chợ kéo dài hơn do chợ vắng”.
Đang mua một số gia vị cần thiết, chị Nguyễn Thị Bích Nhung (Phường 5, TP Vĩnh Long) thở dài: “Tuy rau, thịt, gia vị đã lên giá nhưng đều là thực phẩm thiết yếu, không thể không mua, có thể tôi sẽ mua ít hơn hoặc mua bằng các hình thức khác để được khuyến mãi, giảm giá. Càng gần cuối năm gia đình tôi phải tiết kiệm hơn cho các khoản mua sắm vào dịp Tết”.
Thay đổi thói quen chi tiêu
Giá nhiều thực phẩm tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn cho bài toán chi tiêu cuối năm. |
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, NTD có thể sẽ không cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm cùng loại trong tầm giá thấp hơn hoặc “săn” khuyến mãi để tiết kiệm.
Theo đó, các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng đã tranh thủ tung ra các chương trình khuyến mãi, kinh doanh hàng giá tốt nhằm kích cầu tiêu dùng.
Vừa khai trương khu vực mua sắm hàng đồng giá 19.000đ, Trung tâm Thương mại Khai Trí đã thu hút hơn 2.000 lượt khách tham quan, mua sắm với gần 100.000 sản phẩm gia dụng, phụ kiện, bánh kẹo… đa dạng mẫu mã, hầu hết được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Văn Cấp Trí- Giám đốc Trung tâm Thương mại Khai Trí, cho biết: “Chúng tôi hy vọng mô hình kinh doanh này có thể chia sẻ với NTD trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhất là nhóm khách hàng có thu nhập hạn chế như học sinh, sinh viên, người lớn tuổi, nội trợ… giúp họ có thể mua sắm những sản phẩm gia dụng thiết yếu trong tầm giá bình dân”.
Tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, NTD dễ dàng tìm thấy từ những món ngon được sơ chế sẵn như sườn cốt lết ướp sả ớt, thịt nhồi khổ qua, vỉ canh chua cá lóc, tộ cá kho ướp sẵn, đến các món ăn đã nấu chín như gà kho gừng, cá sốt cà, chén mắm chưng… giá bán theo ký hoặc theo món, tùy loại.
Chị Lê Thị Phương Uyên- Tổ trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho biết: “Thức ăn được làm sẵn tại siêu thị phải đáp ứng nhiều tiêu chí chất lượng như hương vị, không chất bảo quản, không chất phụ gia. Siêu thị thay đổi thực đơn mỗi ngày.
Nguyên liệu được sơ chế, chế biến tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhìn chung, giá bán thực phẩm đã tẩm ướp, chế biến không chênh lệch nhiều so với thực phẩm tươi sống, thậm chí có nhiều loại giá bán thấp hơn 5-7% so với thị trường bên ngoài, cũng như giúp NTD tiết kiệm thời gian”.
Giá cả có xu hướng tăng đặt ra nhiều thách thức cho cả người mua lẫn người bán. Tuy nhiên, thích ứng với việc NTD thay đổi thói quen mua sắm, các đơn vị kinh doanh cũng cần có kế hoạch phù hợp, chương trình kích cầu để duy trì sức mua, NTD cũng cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong chi tiêu, đừng vì ham rẻ mà lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng qua tăng 3,38% so với cùng kỳ, cao hơn 1,69 điểm phần trăm so với năm 2023. Trong đó, CPI bình quân 9 tháng của 26/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ đã tác động đến tình hình tăng CPI chung, với một số nhóm có ảnh hưởng lớn như: lương thực tăng 14,93%; điện và dịch vụ điện tăng 8,52%; gas và các loại chất đốt khác tăng 7,44%; ăn uống ngoài gia đình tăng 6,33%; hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân tăng 4,68%; rượu bia tăng 2,46%… |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202411/nguoi-tieu-dung-thay-doi-thoi-quen-chi-tieu-7577bd5/