Đoàn công tác tham quan mô hình trồng dưa lưới tại huyện Bình Tân. |
Với mong muốn giới thiệu Tập đoàn Wago Nhật Bản đến Vĩnh Long, tạo mối liên kết lâu dài giữa tập đoàn với tỉnh về ngành hàng khoai lang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam- Trưởng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp- PTNT và Tập đoàn Wago Nhật Bản đã đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long.
Đây là cơ hội tốt để kêu gọi đầu tư và thúc đẩy giao thương với doanh nghiệp Nhật Bản, phù hợp với chủ trương, định hướng của hai nước trong bối cảnh hai bên đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Wago là một trong những tập đoàn lớn của Nhật Bản, có tổng doanh thu trên 100 tỷ USD/năm, chuyên kinh doanh hệ thống bán lẻ, chế biến nông sản sau thu hoạch và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Wago có kế hoạch mở rộng đầu tư về công nghệ sau thu hoạch và liên kết với các vùng sản xuất nông sản tại Việt Nam.
Mục tiêu của chuyến công tác lần này của Wago đến tỉnh Vĩnh Long là để khảo sát tiềm năng hợp tác trong các dự án nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ và quy trình hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản, trong đó có cây khoai lang, cây trồng chủ lực của địa phương.
Thông tin về tình hình kinh tế của tỉnh, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ở Vĩnh Long và tỉnh đang định hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Nhìn chung, đặc thù phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long là đa dạng chủng loại nông sản với cơ cấu giống phong phú cho hầu hết sản phẩm thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đặc trưng cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, tỉnh có một số sản phẩm rau màu khác có giá trị kinh tế cao, các loại cây ăn trái có tiềm năng xuất khẩu như: bưởi, sầu riêng, dừa, xoài, nhãn, chôm chôm… Diện tích gieo trồng lúa hàng năm hơn 110.000 ha/năm; sản lượng đạt gần 700.000 tấn/năm. Diện tích khoai lang đang ở mức khoảng 1.000 ha/năm, sản lượng trên 32.000 tấn.
“Với truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời và điều kiện tự nhiên ưu đãi, tỉnh Vĩnh Long cũng mong muốn được xây dựng bảo tàng nông nghiệp nhằm duy trì và quảng bá hình ảnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói riêng và ĐBSCL nói chung, định hướng giới thiệu ra phạm vi cả nước và bạn bè quốc tế.
Chúng tôi đã triển khai thi ý tưởng về trưng bày và thiết kế bảo tàng này và dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy truyền thống nông nghiệp đặc biệt là trồng lúa nước ở ĐBSCL, đồng thời, qua đó mong muốn phát triển được du lịch kết hợp với người dân ở các địa phương phát triển kinh tế trên nền tảng công nghiệp trong đó có trải nghiệm về tìm hiểu mô hình nông nghiệp, có các khu để khách du lịch và người dân địa phương phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh”- ông Lữ Quang Ngời nói thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận định, sự hợp tác với Tập đoàn Wago sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho địa phương trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Vĩnh Long mong muốn phát triển, đồng hành cùng với Tập đoàn Wago vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, công nghệ cảm biến và hệ thống quản lý thông minh trong các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Tại buổi tham quan mô hình nông nghiệp và thông tin tình hình sản xuất khoai lang, đại diện HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Tân đã trình bày về quy trình sản xuất khoai lang tại HTX, các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm đạt được. Ông Trần Hữu Việt- Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Tân cho biết: Hiện HTX có 80ha trồng khoai lang và đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. HTX mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Qua chuyến tham quan mô hình nông nghiệp, ông Kiuchi Hirokazu- Chủ tịch Tập đoàn Wago cho rằng có nhiều tiềm năng liên kết với tỉnh Vĩnh Long. Ông Kiuchi Hirokazu cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long, nhất là mô hình canh tác khoai lang tại huyện Bình Tân.
Đại diện Tập đoàn Wago cũng đánh giá cao chất lượng các giống khoai lang tại huyện Bình Tân. Tuy nhiên, sản phẩm khoai lang Bình Tân so với yêu cầu của tập đoàn thì cần độ ngọt cao hơn và tập đoàn cũng đặt vấn đề sẽ cung cấp cho địa phương một số giống khoai lang tiêu thụ tốt tại Nhật Bản để trồng khảo nghiệm.
Mặt khác, tập đoàn cũng đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL, đồng thời đưa ra một số ý tưởng cho địa phương. “Tôi ấn tượng với mô hình này, tôi cho rằng việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp trong tương lai sẽ đem đến cho tỉnh nhiều cơ hội phát triển các giải pháp nông nghiệp thông minh, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương”- ông Kiuchi Hirokazu cho hay.
Tập đoàn Wago cũng đánh giá cao chất lượng các giống khoai lang tại huyện Bình Tân. |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định tỉnh Vĩnh Long có vị trí chiến lược tại trung tâm vùng ĐBSCL và tiềm năng nông nghiệp phong phú, là địa điểm lý tưởng để phát triển các mô hình hợp tác quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như Vĩnh Long nói riêng.
Theo đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp quốc tế như Tập đoàn Wago trong việc thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế.
Mục đích giới thiệu tập đoàn đến Vĩnh Long cũng nhằm tạo mối liên kết lâu dài giữa tập đoàn với địa phương về ngành hàng khoai lang. Thứ trưởng thống nhất với việc Tập đoàn Wago cung cấp giống đồng thời đề nghị hỗ trợ xây dựng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo các yêu cầu trong sản xuất.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202410/doan-cong-tac-bo-nong-nghiep-ptnt-va-tap-doan-wago-nhat-ban-lam-viec-tai-tinh-vinh-long-mo-ra-nhieu-co-hoi-tang-cuong-moi-lien-ket-e1f0b10/