(VLO) Sạt lở bờ sông đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường tại ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Thông qua kiến nghị của cử tri tại những buổi tiếp xúc, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nhiều lần đưa vấn này này ra bàn luận tại nghị trường. Từ đó, đã có những quyết sách đúng đắn trong việc ban hành các nghị quyết liên quan đến quy định mức chi kinh phí phục vụ hoạt động của Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác, trong đó có những đối tượng bị ảnh hưởng bởi sạt lở…
Đồng thời, tổ chức các chương trình khảo sát, giám sát về tình hình sạt lở bờ sông. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Nỗ lực ứng phó
Sạt lở đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Cả nước đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để ứng phó. Cùng với đó, người dân chủ động, tự bảo vệ tính mạng và tài sản trước sự rình rập của loại hình thiên tai cực đoan này.
Thời gian qua, các địa phương tăng cường thông tin, cảnh báo sớm về mưa lớn, sạt lở. Bên cạnh, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép. Đồng thời, tổ chức di dời nhà cửa, tài sản khu vực nguy cơ cao, cắm các biển hiệu cảnh báo ở khu vực nguy hiểm.
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động xã hội hóa công tác phòng, chống sạt lở như: hộ gia đình tự xây kè, nhân rộng mô hình “kè sinh thái phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch”. Song song đó, đầu tư xây khu tái định cư, hỗ trợ di dời các hộ dân khu vực đã bị sạt lở và nguy cơ cao bị sạt lở; xây công trình bảo vệ chống sạt lở bờ sông, kênh rạch…
Cùng với công tác cảnh báo, hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp, các địa phương đã chủ động quyết liệt và có giải pháp dài hơi để xử lý dứt điểm các khu vực có nguy cơ sạt lở. Người dân trong vùng nguy cơ cũng đề cao cảnh giác, chủ động phòng, chống sạt lở, di chuyển sớm để bảo đảm an toàn.
Ông Lê Văn Thăm- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm cho hay: Địa phương kiện toàn BCH PCTT-TKCN ở cấp huyện, xã; tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống sạt lở bờ sông; khảo sát, quan trắc các vùng bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông gây ra. Bên cạnh, rà soát lại huy hoạch của ngành, lồng ghép các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông và lập kế hoạch đầu tư đến năm 2030. Đồng thời, theo dõi và nghiên cứu về lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho biết: tình hình thời tiết, thuỷ văn ngày càng diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông ngày càng tăng, đặc biệt là các tuyến sông lớn như sông Cổ Chiên, sông Măng Thít. Do đó, các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai.
Theo đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ đê bao, bờ sông, không xây công trình làm ảnh hưởng bờ sông; trồng cây, kè mềm hạn chế tác động của dòng chảy và sóng của các phương tiện thủy. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực sửa chữa, gia cố kịp thời các đoạn bờ bao, đê bao bị sạt lở, nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh.
“Huyện tiếp tục thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, sạt lở đê bao; chỉ đạo kiện toàn Đội xung kích PCTT cấp xã; phát huy vai trò của Đội xung kích trong công tác phòng, chống, ứng phó khi có thiên tai xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”. Bên cạnh, vận động người dân áp dụng các giải pháp làm kè mềm tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao, ngã ba sông, những đoạn cua, cong nước chảy mạnh.
Đồng thời, lắp đặt biển cảnh báo tại những nơi thường xảy ra sạt lở, nhằm hạn chế phương tiện lưu thông làm tăng nguy cơ sạt lở. Song song đó, phát huy nội lực tại chỗ, nguồn lực cộng đồng và xã hội; kịp thời khắc phục, sửa chữa các đoạn sạt lở nhỏ, đảm bảo bảo vệ sản xuất cũng như việc lưu thông của người dân được thuận lợi, an toàn; theo dõi diễn biến của thiên tai, thông báo, cảnh báo, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đồng thời, thực hiện tốt chế độ thỉnh thị báo cáo; thống kê nhanh, chính xác, kịp thời, đầy đủ về tình hình thiên tai nhằm phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành”- ông Nguyễn Chí Quyết cho biết thêm.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho hay: Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về PCTT và các giải pháp phòng ngừa, xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch.
Bên cạnh, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp xây nhà ở, công trình không phép hoặc sai phép ở bờ, lòng sông kênh rạch và khai thác cát trái phép ở lòng sông làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch.
Cùng với đó, khuyến khích, phát động trồng cây chống sạt lở bờ sông. Huyện tiếp tục đầu tư công trình gia cố khắc phục sạt lở, tại khu vực xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao, ưu tiên thực hiện giải pháp kè mềm, kè sinh thái bằng hình thức gia cố cừ tràm, cừ dừa, rọ đá, kết hợp với trồng cỏ, trồng bần, nuôi lục bình…
Thời gian qua, các địa phương tăng cường thông tin, cảnh báo sớm về mưa lớn, sạt lở. |
Tùy theo nguồn lực địa phương, có thể sử dụng giải pháp kè rọ đá, cọc bê tông cốt thép, lắp đặt đan làm tường chắn kết hợp với hệ thống neo để khắc phục sạt lở. Đây là công trình bán kiên cố có thời gian sử dụng lâu hơn. Đối với khu vực sạt lở nguy hiểm, quy mô lớn đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư.
Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho hay: Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng các đề án, kế hoạch, quy hoạch; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún bờ sông bảo vệ sản xuất và đời sống người dân. Đồng thời, phát động phong trào trồng cây xanh phòng, chống sạt lở bờ sông, kinh, rạch thích ứng với BĐKH giai đoạn 2024-2030.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, người dân giữ vai trò “trụ cột” trong việc bảo vệ đất bờ sông. Do vậy, cần có giải pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân chủ động bảo vệ mảnh đất của mình trước diễn biến phức tạp của sạt lở. Đồng thời, cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương.
Cho biết: “Dự án Gia cố chống sạt lở bờ sông Cái Cao được tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp năm 2023, đến nay chưa được thực hiện”- bà Phan Thị Mỹ Hạnh kiến nghị: tỉnh đôn đốc triển khai sớm, nhằm khắc phục sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, giúp người dân an tâm, ổn định cuộc sống; BCH PCTT-TKCN tỉnh sớm trình danh mục công trình khắc sạt lở; phê duyệt để địa phương tổ chức triển khai kịp thời, nhằm hạn chế mức độ sạt lở bờ sông nghiêm trọng hơn. Song song đó, sớm thành lập đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, theo dõi, quản lý để công trình không bị xuống cấp, hư hỏng.
Ông Văn Hữu Huệ đề xuất, Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư thực hiện giải pháp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, gồm 4 danh mục công trình, với tổng kinh phí 666 tỷ đồng. Bên cạnh, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ quy định về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi bị thiên tai, dịch bệnh; Luật Tình trạng khẩn cấp.
Tỉnh Vĩnh Long đang đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư thực hiện giải pháp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông. |
Bên cạnh, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về phát triển khoa học công nghệ trong phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do BĐKH; triển khai rộng ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Đồng thời, dự báo sạt lở bờ sông, rạch, Trước mắt, tập trung cho những khu vực sạt lở trọng điểm trên các tuyến sông chính tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung… Đồng thời, hỗ trợ kinh phí bố trí ổn định dân cư.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT kiến nghị, HĐND tỉnh xem xét tăng mức mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội tại Nghị quyết số 30, ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ quy định về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi bị thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ sông; bố trí kinh phí do tỉnh quản lý cho Sở Nông nghiệp-PTNT thực hiện chương trình bố trí ổn định dân cư. Trước mắt, năm 2025 dự kiến hỗ trợ cho 100 hộ với 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh khuyến nghị Sở Nông nghiệp-PTNT phát huy hơn nữa vai trò tham mưu cho UBND tỉnh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập huấn, hướng dẫn diễn tập; phối hợp thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân; thường xuyên khảo sát, đánh giá và tăng cường cảnh báo. Bên cạnh, đề xuất giải pháp công trình, phi công trình cho từng tuyến sông, kênh rạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thẩm định phương án thi công hợp lý, không gia tăng nguy cơ sạt lở do yếu tố chủ quan khi xây dựng công trình.
Đồng thời, khuyến nghị UBND tỉnh cân đối kinh phí bố trí đầu tư những điểm, những vị trí sạt lở lớn hàng năm đưa vào vốn xây dựng cơ bản trung hạn. Giai đoạn 2026-2020, cần đầu tư khu tái định cư cho các dự án sạt lở, các khu vực sạt lở khẩn cấp cần phải di dời dân. Công tác quy hoạch đất đai, xây dựng cần chú ý kết hợp tính lưỡng dụng trong giao thông- thủy lợi, đảm bảo tuổi thọ công trình. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, nhất là chính quyền cấp xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng, cơi nới, lấn chiếm bờ sông, kênh rạch xử lý vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 379 ngày 17/3/2021 về Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề cập các giải pháp quan trọng để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt là, việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển hạn chế nguy cơ sạt lở. Đồng thời, quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; nghiên cứu xây dựng phương án chỉnh trị sông, bờ biển đảm bảo phát triển bền vững vùng ven sông, ven biển… |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202411/nghi-quyet-ung-pho-sat-lo-giam-thieu-rui-ro-thien-tai-ky-cuoi-quyet-liet-trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-7b36055/