(VLO) Bắt đầu mùa vụ mới, nhu cầu sử dụng phân bón (PB), thuốc BVTV của nông dân tăng cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp (VTNN), góp phần hạn chế tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đa dạng vật tư nông nghiệp là điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn để sản xuất. |
Vi phạm còn nhiều
Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc vụ mùa Thu Đông. Các mặt hàng VTNN đa dạng, phong phú là điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn để sản xuất.
Song, bên cạnh các cơ sở kinh doanh uy tín, chất lượng, tuân thủ theo quy định pháp luật thì vẫn còn không ít trường hợp vi phạm về chất lượng, nhãn hiệu, bao bì…
Các đối tượng thực hiện với thủ đoạn tinh vi, không chỉ gây ảnh hưởng chất lượng nông sản, thiệt hại cho người sản xuất, ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính.
Lo lắng về tình trạng PB, thuốc BVTV giả, kém chất lượng bị phát hiện trong thời gian qua, anh Ngô Văn Đô (xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm) chia sẻ: “Tôi đang canh tác 1ha cam sành đang trong giai đoạn làm bông nên cần phải bón phân.
Nhưng thị trường PB hiện nay có nhiều chủng loại, giá cả khác nhau khó phân biệt thật giả. Chỉ khi bón cho cây không thấy hiệu quả mới biết, vừa tốn chi phí, vừa tốn thời gian, cây lại không sinh trưởng, phát triển tốt”.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, các đội QLTT đã kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp PB giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, các tháng đầu năm, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra và phát hiện 16/25 vụ vi phạm, xử lý 16 vụ phạt hành chính với gần 350 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp gần 39,5 triệu đồng, buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 319 triệu đồng.
Đáng nói, qua kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm đã phát hiện 50% số mẫu vi phạm chất lượng, trong đó có 6 mẫu là hàng giả về chất lượng và 1 mẫu là hàng kém chất lượng.
Qua kiểm tra, phần lớn các trường hợp vi phạm là PB được sản xuất ngoài tỉnh (chủ yếu được sản xuất tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ) đưa vào lưu thông tại Vĩnh Long.
Theo ngành chức năng, ngoài những vi phạm về chất lượng hàng hóa, hành vi vi phạm về ghi nhãn PB khá phổ biến, như PB được sản xuất trong nước mà trên bao bì ghi thông tin bằng tiếng nước ngoài, ghi bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam rất nhỏ, làm người tiêu dùng nhầm tưởng là hàng do nước ngoài sản xuất.
Hay trường hợp thông tin ghi trên nhãn là PB NPK (chữ nổi bật, dễ thấy) nhưng thực chất thành phần chỉ có NP hoặc NK; trên sản phẩm có ghi thông tin hàm lượng, thành phần và chỉ tiêu nhưng kích thước chữ số rất nhỏ, từ đó đưa ra giá bán ngang bằng với giá bán PB NPK, gây thiệt hại khi người tiêu dùng “mua nhầm”.
Không chỉ vậy, các đối tượng vi phạm thực hiện thủ đoạn đối phó với cơ quan kiểm tra bằng cách chỉ giao nhận lô PB có giá trị dưới 30 triệu đồng hoặc một chuyến giao hàng có nhiều lô hàng với ngày sản xuất khác nhau, tránh trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự khi lấy mẫu lô hàng có kết quả các chỉ tiêu chất lượng từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, tâm lý chuộng hàng giá rẻ, thích chương trình khuyến mãi, tặng quà của nông dân, nhiều doanh nghiệp tổ chức hội thảo để quảng cáo PB kém chất lượng, hàng có nhãn hiệu gây nhầm lẫn…
Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường PB, thuốc BVTV.
Theo ông Nguyễn Minh Quang- Phó Đội trưởng Đội QLTT số 3, giữa đa dạng sản phẩm VTNN trên thị trường, việc nhận diện được các biểu hiện đối với hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh PB là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng.
Hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh PB trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt, các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi và giám sát các hoạt động quảng cáo, giới thiệu PB, giao nhận hàng hóa tại các cửa hàng, đại lý, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, TP Cần Thơ… kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý PB kém chất lượng, PB giả xâm nhập vào địa bàn.
Dù vậy, theo đánh giá của ngành chức năng thì tình trạng PB giả, PB kém chất lượng, vi phạm về nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn còn diễn ra khá phức tạp.
Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng PB, thuốc BVTV.
Chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi các đối tượng, đường dây, ổ nhóm chuyên sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng PB giả, kém chất lượng trên địa bàn phụ trách.
Đặc biệt, chú ý quản lý các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm. Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị có liên quan để chủ động ngăn ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi kinh doanh PB, thuốc BVTV.
Đồng thời, tuyên truyền đến các đại lý, cửa hàng kinh doanh VTNN không tham gia mua bán hoặc tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; cảnh báo tác hại của việc sản xuất, kinh doanh PB, thuốc BVTV kém chất lượng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng; khuyến cáo người kinh doanh phải thận trọng khi lựa chọn nguồn hàng, nhà cung cấp và phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa được bày bán tại cơ sở, cửa hàng, đại lý của mình.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo, khi mua sản phẩm PB có nghi vấn hàng giả nông dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi gần nhất để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm. Sau khi sử dụng PB, thuốc BVTV, nên giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng để làm căn cứ cho việc điều tra.
Chỉ nên mua VTNN có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, uy tín. Hạn chế mua bán các sản phẩm PB, thuốc BVTV trên mạng hoặc từ các đối tượng đến tận nhà mời chào…
Theo Cục QLTT tỉnh, trong quý II đã kiểm tra 102 vụ kinh doanh PB, tỷ lệ vi phạm chiếm trên 65%. Phạt hành chính trên 827 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 17,8 triệu đồng; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tang vật vi phạm trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra (huyện Tam Bình và huyện Vũng Liêm) xem xét 2 vụ buôn bán PB giả về giá trị sử dụng, công dụng. |
Bài, ảnh: THIỆN CHÍ- TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/kiem-soat-chat-thi-truong-vat-tu-nong-nghiep-3185950/