Đẩy nhanh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là một trong những giải pháp trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC LIÊM |
“Chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là mục tiêu chiến lược của tỉnh Vĩnh Long, hướng tới tham gia kết nối các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường nội vùng, liên vùng”- ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định điều này, tại Hội thảo tiền Mekong Connect 2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh phối hợp Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, tổ chức ngày 14/12.
Hướng tới nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh
Tại Hội thảo tiền Mekong Connect 2024, PGS.TS Nguyễn Phú Son (Trường ĐH Cần Thơ) đặt vấn đề: “Các DN sẽ thu mua các sản phẩm nông nghiệp xanh ở đâu và các HTX bán những sản phẩm nông nghiệp xanh cho ai và ở đâu?” và cho rằng: “Lời giải cho bài toán này nằm ở chỗ làm cách nào để gắn kết DN và HTX trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xanh, được xúc tác bởi những chính sách nông nghiệp xanh gì của Nhà nước”.
PGS.TS Nguyễn Phú Son vừa tham dự Hội thảo quốc tế “The 23th Asia- Pacific Agricultural Policy Forum”, tại Bangkok, Thái Lan, cho biết: Bản thân tôi cũng đã được mở mang rất nhiều từ kinh nghiệm chia sẻ của các nước trong khu vực. Chúng ta muốn thực sự phát triển xanh, phát triển bền vững thì không thể vội được. Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, đó là câu chuyện của nhiều năm và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, nông nghiệp xanh là một phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Trong đó phương thức canh tác chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả. Mục tiêu của nền nông nghiệp này là tạo năng suất cao và bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân.
Như mọi mô hình sản xuất khác, xanh- tuần hoàn sẽ không thể sống được nếu không có thị trường tiêu thụ. Cùng với việc thúc đẩy sản xuất xanh, tuần hoàn các nước cũng song song thúc đẩy thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, đó chính là tiêu dùng xanh (TDX). Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, TDX có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên.
Trong khi đó, nói về thực tế TDX ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách hoạt động điều tra TDX (Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao) dẫn chứng kết quả khảo sát nhận thức và hành vi TDX cho thấy: đa số người khảo sát ủng hộ sử dụng các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, khi đo lường về hành vi, hành động cụ thể thúc đẩy TDX thì bức tranh chưa khả quan lắm. TDX chưa phải là ưu tiên tiên quyết của người tiêu dùng, bởi vì họ vẫn đồng tình ủng hộ có phần nhiều hơn với các sản phẩm khuyến mãi, kích cầu từ giá, cạnh tranh về giá.
“26% người tiêu dùng cho biết sẽ tìm sản phẩm thay thế, nếu sản phẩm xanh bị thiếu tại nơi họ vẫn mua các sản phẩm xanh thay vì chờ đợi sản phẩm xanh tại điểm bán họ thường mua. Chỉ có 14% số người tiêu dùng thường xuyên sản phẩm xanh cho biết họ sẵn sàng chờ đợi sản phẩm”- ông Phượng cho biết.
Mặt khác, “khi khảo sát thì có đến 60-70% người có quan tâm đến sản phẩm TDX, nhưng thực tế chỉ có khoảng 15% người sử dụng sản phẩm thường xuyên. Tức là vẫn có một khoảng cách lớn giữa nhận thức và thực tiễn sử dụng”- ông Phượng dẫn giải thêm và lý giải: “Để chinh phục người tiêu dùng cần trưng ra nhãn sinh thái, nhãn xanh ngoài những câu chuyện kể về sản phẩm từ DN. Giá cả sản phẩm cũng được người tiêu dùng cân nhắc. Đa số người tiêu dùng cho rằng giá sản phẩm xanh hiện đang cao hơn mức họ sẵn sàng chi trả. Hiện tại sản phẩm xanh vẫn cao hơn 30-40% sản phẩm thường”.
Mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xanh của Vĩnh Long
Theo ông Lữ Quang Ngời, thời gian qua, Vĩnh Long tổ chức, tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi thu hút đầu tư về thương mại, du lịch, giáo dục, y tế… nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, tháng 11/2024 vừa qua, Vĩnh Long tổ chức thành công Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh lần I, nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của ngành gạch gốm đỏ, đồng thời hướng đến chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
“Đây là mục tiêu chiến lược của tỉnh hướng tới phát triển bền vững”- ông Lữ Quang Ngời khẳng định và cho biết Vĩnh Long đã “kích hoạt” mục tiêu tăng trưởng xanh từ năm 2019. Đồng thời, lồng ghép các quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, sử dụng hợp lý tài nguyên và khuyến khích TDX vào các nghị quyết, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch của tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đối với lĩnh vực nông nghiệp đã ứng dụng khoa học kỹ thuật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn qua việc hỗ trợ, khuyến khích xây dựng 945 trang trại; thực hiện 12 mô hình trên cây lúa hơn 317ha. Lĩnh vực công nghiệp đã triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL. Đây là 2 dự án gắn liền với phát triển du lịch, thực nghiệm, kinh tế xanh của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa cải tiến công nghệ; áp dụng các mô hình quản trị, sản xuất hiện đại, bền vững, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP cũng đã tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước…
Cùng với đó, “Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết năm 2025 tiếp tục định hướng: “Đẩy nhanh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số” là một trong những giải pháp trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội”- ông Lữ Quang Ngời cho biết.
Mục tiêu tăng trưởng xanh đã được tỉnh Vĩnh Long “kích hoạt” từ năm 2019. |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: “Việc tham gia Diễn đàn Mekong Connect được Vĩnh Long xem là cơ hội quý báu để học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và cả nước để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, công nghệ hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới. Chúng tôi cam kết cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ nỗ lực lớn, quyết tâm cao thực hiện các giải pháp làm cơ sở để xây dựng, thúc đẩy và phát huy chất lượng đội ngũ khu vực công một cách hữu hiệu nhất cho chiến lược phát triển khu vực ĐBSCL đến năm 2030”.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/12, tại tỉnh An Giang, được điều phối bởi Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN. Với sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp-PTNT, Bộ KH-CN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức và chủ trì. Có sự đồng hành của các tỉnh, thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp. Vĩnh Long và Hậu Giang là 2 thành viên liên kết mới nhất của diễn đàn này. |
• Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202412/kich-hoatnen-kinh-te-xanh-e440a04/