Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa có buổi làm việc trực tuyến với UBND tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Theo đánh giá, dù tình hình kinh tế- xã hội có khởi sắc nhưng Vĩnh Long cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có giải pháp để khắc phục khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Ngành du lịch lữ hành Vĩnh Long đang phục hồi phát triển trong những tháng đầu năm. Ảnh minh họa
Vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 8,47%; khu vực dịch vụ tăng 6,1%. Hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đến cuối tháng 7 đạt 49.250 tỷ đồng.
Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/6 đạt 43.339 tỷ đồng, tăng 3,0% so với đầu năm và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Ước đến cuối tháng 7 dư nợ cho vay đạt 43.164 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đến ngày 30/6, khoảng 3% tổng dư nợ.
Trước đó, trong buổi làm việc với NHNN vào tháng 5, đại diện các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN) đã có các kiến nghị về chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất, tín dụng thu mua tạm trữ lúa gạo và đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chế biến, đất đai và các chính sách liên quan thuế, phí, lệ phí và tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu,…
Tuy nhiên, theo ông Võ Quốc Thanh, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương cần được tháo gỡ, như: phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường, xuất nhập khẩu; thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu; tăng khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng còn thấp; tỷ lệ nợ xấu tăng cao…
Khơi thông nguồn lực, chủ động các giải pháp
Đại diện Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết, các tỉnh ĐBSCL có tốc độ phát triển khá trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp có sự nổi trội hơn cả nước. Dự báo cho 6 tháng cuối năm, nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Còn đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng, các kiến nghị trước đây của đoàn công tác đã được tỉnh tiếp thu và triển khai tốt. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ các DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cả 2 tỉnh, đặc biệt là Vĩnh Long cần tích cực hơn trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm. Đồng thời phối hợp với ngành tài chính đẩy nhanh việc triển khai giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến các DN.
Về điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Phạm Chí Quang- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam) cho biết, 6 tháng đầu năm đã có 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành.
Qua đó góp phần giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Trong bối cảnh cầu tín dụng thấp như hiện nay, NHNN cũng triển khai nhiều giải pháp kích cầu tín dụng, tiết giảm chi phí, rà soát quy trình để cắt giảm thủ tục không cần thiết… nhằm gia tăng tiếp cận vốn cho DN và người dân.
Trong khi đó, bà Hà Thu Giang- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) cho biết, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn là vấn đề được Chính phủ và NHNN luôn quan tâm. Trong điều hành, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn trong nền kinh tế.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề về tín dụng để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tín dụng tại các địa phương. “Với những giải pháp của ngành ngân hàng đã và đang triển khai, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành từ các giải pháp của các bộ, ngành, để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN”- bà Giang cho biết.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 8%, Vĩnh Long cần thực hiện tốt, đồng bộ các chính sách, để khơi thông các nguồn lực. Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre đã rất quyết liệt chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế- xã hội và đạt những kết quả tích cực.
Riêng Vĩnh Long, trong buổi làm việc vào tháng 5 đã có 8 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, đến nay đều đã được xử lý và tiếp tục xử lý gồm: 4 kiến nghị về đầu tư, 2 kiến nghị về chính sách tín dụng, 1 kiến nghị về chính sách thuế, phí, lệ phí, 1 kiến nghị về hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại.
Thống đốc NHNN cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của Vĩnh Long 8% là thách thức rất lớn. Trong những tháng còn lại, Vĩnh Long cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất- kinh doanh, khơi thông nguồn lực, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
“Đặc biệt là tập trung và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa về hàng hóa, tiếp tục thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư các dự án…” – bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY