(VLO) Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ĐBSCL cần thực thi tốt hơn nữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư hướng đến nền kinh tế xanh.
Những năm qua, Vĩnh Long không ngừng cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số xanh cấp tỉnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Ảnh minh họa |
Khu vực tiêu cực của thiên tai
Qua khảo sát của VCCI triển khai trong năm 2023, có tới 72,4% doanh nghiệp ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đồng thời, ĐBSCL cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với cách tiếp cận tích hợp đa ngành, có quan điểm phát triển “thuận thiên”, chủ động thích ứng với BĐKH.
Do vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành trong vùng là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để nâng cao nguồn lực tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và BĐKH, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng. Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Việc nỗ lực cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do VCCI triển khai và sự đồng hành của các tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua, ghi nhận những mặt tích cực, kịp thời, hiệu quả của chính quyền và sở, ngành, địa phương các tỉnh về tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược.
Đối với Vĩnh Long, những năm qua, tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo báo cáo PCI năm 2023 của VCCI, mặc dù không thuộc nhóm top 30 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, nhưng Vĩnh Long đã có những cải thiện tốt ở các chỉ số thành phần so với năm 2022.
Bên cạnh đó, kết quả chỉ số PGI năm 2023, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố cả nước; và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Vĩnh Long hướng đến tăng trưởng xanh
Vĩnh Long hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh minh họa |
Về chỉ số PGI, Vĩnh Long cùng với Đà Nẵng, Hưng Yên là những tỉnh có đến 2 chỉ số thành phần dẫn đầu top 5 cả nước.
Cụ thể: về thứ hạng, tỉnh Vĩnh Long có chỉ số thành phần “Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai” với điểm số là 7,67 xếp hạng 3 cả nước (sau tỉnh Đồng Tháp và Nam Định); chỉ số thành phần “Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường” với điểm số là 6,42 xếp hạng 5 cả nước (sau các tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Thuận, Trà Vinh). Về điểm số, trong 4 chỉ số thành phần, tỉnh Vĩnh Long đã cải thiện được 3 chỉ số tăng điểm.
Để đạt được kết quả đó, theo ông Lương Trọng Nghĩa- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Vĩnh Long đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện hoạt động quản lý môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tỉnh xem chất lượng môi trường là yếu tố quan trọng, giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai.
Bên cạnh đó, thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường, thực hiện cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đặc biệt chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm…
Cũng theo ông Nghĩa, quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của ĐBSCL.
Vĩnh Long đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh tiếp tục khuyến khích sản xuất kinh doanh thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế phát thải…
“Thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ những giải pháp đã triển khai. Tỉnh luôn mong muốn cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH.
Đồng thời khuyến khích đổi mới phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, thúc đẩy đầu tư xanh có chất lượng cao, bảo đảm sự phát triển xanh, bền vững cho địa phương”- ông Nghĩa cho biết.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, để tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh gắn với kinh tế xanh phát triển bền vững, các tỉnh ĐBSCL cần thực thi tốt hơn nữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý nước thải từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành, song cũng cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng các dự án kinh doanh có trách nhiệm, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, truyền thông và nhân rộng những điển hình hiệu quả về ứng phó BĐKH, các sáng kiến giải pháp, công nghệ thân thiện với môi trường phù hợp với xu thế mới, phù hợp với doanh nghiệp trong vùng có tính liên kết, định hướng và dẫn dắt từ chính quyền và các ngành hữu quan, địa phương tạo sức lan tỏa đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp…
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/huong-den-tang-truong-xanh-3185902/