(Vinhlong.gov.vn) – Ngày 21/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Tham dự tại điểm cầu Vĩnh Long có ông Trần Tiến Dũng – Bí thư Tỉnh ủy; ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Minh Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Đặng Văn Chính – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan
Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV (vừa bế mạc ngày 19/2). Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; quy mô GRDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.
Trước đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 23-24/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cơ bản đồng tình nội dung Đề án về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình.
Do đó, để thực hiện các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tổ chức hội nghị với tất cả các địa phương để rà soát và thúc đẩy các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030; hướng đến thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm của đất nước: Đến năm 2030-kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045-kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hội nghị đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Theo đó, thời gian tới là giai đoạn có ý nghĩa then chốt để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu phải tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần tăng trưởng bứt phá để về đích Kế hoạch 05 năm 2021-2025, tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn tới.
Chính phủ đã chủ động phấn đấu và trình Trung ương Đảng, Quốc hội ban hành Kết luận, Nghị quyết để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường…
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 25/NQ-CP xác định 12 chỉ tiêu chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực năm 2025; yêu cầu các địa phương phải tăng tăng trưởng trưởng bứt phá, từ 8% trở lên, trong đó hai cực tăng trưởng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đầu tàu cần tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh tình hình thời gian tới, xác định rõ những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, tác động mạnh mẽ, hiệu quả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; qua đó cũng kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%. Đây là thời điểm phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến với tinh thần thống nhất, các giải pháp cụ thể với tính khả thi cao. Thủ tướng nêu rõ, tình hình mới, yêu cầu mới phải có cách làm mới, đột phá hơn, quyết liệt hơn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ bảo đảm “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm mới để tạo động lực phát triển mới, huy động nguồn lực từ nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, ý chí, kiên cường, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đổi mới tư duy, cách quản lý kinh tế để tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành đó là tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng trưởng kinh tế phải nhanh và bền vững, phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân. Các bộ, ngành, địa phương phải khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là đối với những vấn đề liên ngành, liên vùng; chủ động đề xuất giải pháp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền…
Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, bài bản, đồng bộ, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ., xây dựng kế hoạch triển khai, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá” và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; sớm khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự biến động khó lường và rủi ro từ tình hình quốc tế, khu vực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95%.
Bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, triển khai tốt phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát và chương trình xây dựng nhà ở xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra…
Ngọc Hân
Nguồn: http://tintuc.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?tabid=3212&ID=272387