Mô hình trồng nấm bào ngư ở đô thị bước đầu mang lại hiệu quả. |
(VLO) Trồng nấm bào ngư được xem là mô hình thích hợp để sản xuất nông nghiệp ở đô thị, một số người dân thực hiện và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá.
Năm 2023, nhằm tạo được hướng chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển khuyến nông đô thị, thay đổi tập quán của người dân từ hình thức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, theo hướng sản xuất hàng hóa, mang tính bền vững cao, Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long đã xây dựng và phát triển mô hình thực hiện “Chương trình khuyến nông đô thị năm 2023”.
Trong đó, mô hình sản xuất nấm an toàn đã đạt được hiệu quả bước đầu. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% túi phôi nấm (750 túi nấm bào ngư); 50% chi phí giàn, dụng cụ hỗ trợ, hệ thống tưới.
Đồng thời, người trồng còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cụ thể từ xây dựng nhà trồng, thời điểm đưa phôi nấm vào trại đến kỹ thuật chăm sóc…
Một số nông dân tại đô thị tham gia mô hình cho hay, nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao. Đây cũng là hướng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Cụ thể, phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 2 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra, sau đó tưới nước cho có độ ẩm để nấm dễ mọc.
Nước tưới nấm phải sạch, không phèn, không chứa chất độc hại nấm và tưới bằng bình phun sương hay vòi phun thật mịn.
Tưới nước nhiều hay ít tùy theo ẩm độ không khí của nhà nuôi nấm, bình quân 2 lần/ngày. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tháo nút, khoảng 6 ngày sau nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ nấm mà thu hoạch.
Sau khi thu hoạch nấm xong thì vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại, tiếp tục tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo.
Theo anh Nguyễn Hoàng Dân- viên chức Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, cán bộ hướng dẫn nông dân trồng nấm bào ngư, cho hay: Không cần tốn nhiều diện tích, có thể tận dụng nhà kho, diện tích nhỏ làm nơi trồng nấm bào ngư.
Xung quanh nhà trồng nấm có thể bao lưới cước hoặc nilon để giữ ẩm độ, hạn chế côn trùng, giúp cho nấm phát triển tốt, nhà để nuôi trồng nấm bào ngư phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm.
Các bịch phôi nấm có thể xếp đặt trên các kệ, mỗi hàng cách nhau 30-50cm, mỗi dây cách nhau 20-25cm, mỗi chồng phôi từ 4-5 bịch phôi, mỗi khối chừa các lối đi để tiện chăm sóc và thu hái nấm. Nên thu hoạch nấm vào sáng sớm để đảm bảo nấm được tươi và bán cho thương lái được giá cao.
Trồng 1.500 phôi nấm bào ngư, cô Lê Thị Hồng Vân (Khóm 2, Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi tận dụng 20m2 đất còn trống của nhà để làm nhà trồng nấm. So với những loại cây trồng khác thì nấm bào ngư dễ trồng, tiện chăm sóc và không tốn nhiều diện tích trồng.
Tôi cũng ghi nhật ký khi trồng để xử lý theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Với giá bán được 50.000-55.000 đ/kg, đợt đầu tôi thu được 25kg nấm, cũng có lợi nhuận khá”.
Tương tự, chị Lưu Thị Kim Loan (Khóm 6, Phường 5, TP Vĩnh Long) cũng chia sẻ: “Tôi cũng tận dụng nhà kho để trồng nấm trong thời gian rảnh rỗi. Trồng nấm không tốn nhiều công chăm sóc, lại có giá.
Thời gian thu hoạch của nấm kéo dài từ 3-4 tháng với 8-10 lần thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế khá”.
Theo anh Nguyễn Hoàng Dân, để trồng nấm đạt hiệu quả cao, thì khâu chọn phôi giống rất quan trọng, phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không bị nhiễm dịch bệnh và có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.
Trước khi đưa phôi nấm vào trồng, phải vệ sinh nhà trồng bằng vôi bột để hạn chế bệnh cho nấm trong quá trình chăm sóc.
Trong tuần đầu, cần kiểm tra các bịch phôi, nếu phát hiện bịch nào có hiện tượng mốc phải mang ra khỏi nhà trồng và tiêu hủy để tránh bệnh lây lan sang các bịch phôi khác.
Quan trọng là phải đảm bảo bịch phôi không bị gió lùa trực tiếp, giữ không khí bên trong nhà trồng thông thoáng, ánh sáng trong nhà trồng phải đều.
Ông Nguyễn Văn Lục- Trưởng Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, cho biết: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại.
Do đó, để giúp nông dân chuyển đổi mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp đô thị, thời gian qua, TP Vĩnh Long đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế mới giúp giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, có nhiều mô hình phát triển hiệu quả như trồng hoa cây cảnh, lan cắt cành, sản xuất rau xanh theo hướng an toàn, hữu cơ, trồng nấm bào ngư…
Trong đó, mô hình trồng nấm bào ngư đã thực hiện ở 7 điểm tại Phường 3, Phường 5, Phường 8, phường Tân Hội, phường Trường An. Đây được xem là mô hình phù hợp để phát triển và nhân rộng ở đô thị.
“Các mô hình nông nghiệp ở đô thị không chỉ góp phần thay đổi nhận thức sản xuất cho nông dân mà còn góp phần nâng cao giá trị, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thuận tiện truy xuất nguồn gốc theo hướng hữu cơ an toàn, có ý thức trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi ổn định đầu ra, an tâm phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, từng bước xây dựng nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo chất lượng, số lượng, giá cả cạnh tranh để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh” – ông Nguyễn Văn Lục cho biết thêm.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG