Mô hình gắn kết trong sản xuất và tiêu thụ giúp tăng giá trị sản xuất cho người chăn nuôi. |
(VLO) Mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng” được triển khai tại nhiều địa phương, không chỉ mang lại thu nhập khá cho nông dân mà còn góp phần thay đổi nhận thức trong chăn nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, nhằm từng bước chuyển đổi từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô mang tính hàng hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng, tổ chức liên kết sản xuất trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ.
Trong đó, mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt” thuộc Dự án “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017-2020”, sau 4 năm thực hiện, đã đem lại nhiều hiệu quả.
Theo đó, bước đầu dự án đã hình thành chuỗi sản xuất khép kín trong chăn nuôi vịt chuyên trứng từ cơ sở vệ tinh cung cấp con giống- người chăn nuôi- cửa hàng cung cấp thức ăn- cơ sở tiêu thụ trứng- cơ quan chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Việc xây dựng và phát triển thành công mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất vịt giống và trứng vịt giúp gắn kết trong sản xuất và tiêu thụ, tăng giá trị cho người
sản xuất.
Từ những hiệu quả trên, để tạo động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi vịt chuyên trứng theo hướng bền vững (chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm), Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025 tại nhiều địa phương và được nông dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Bên cạnh hỗ trợ con giống, thức ăn, để giúp cho các hộ nuôi vịt đạt kết quả, đảm bảo năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc nuôi dưỡng vịt, chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường….
Theo ngành nông nghiệp, thông qua công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật sẽ nâng cao nhận thức trình độ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Giúp người chăn nuôi chuyển từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi vịt đẻ trứng theo hướng bền vững.
Anh Nguyễn Văn Sang (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ cách xây dựng chuồng trại, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị các bệnh trên vịt, bên cạnh đó còn được hỗ trợ con giống, thức ăn.
Ban đầu vịt được nuôi nhốt (nuôi rọ) nên tỷ lệ hao hụt thấp, ít dịch bệnh, tỷ lệ vịt mái đạt 90- 95% tổng đàn, tỷ lệ chuyển lên đẻ đạt 90%.
Từ 4 tháng vịt bắt đầu đẻ, trứng rạ và đẻ đều sau 6 tháng, trứng to, thời gian khai thác trứng lâu, mỗi đêm vịt đẻ được 850- 900 trứng/1.000 con. Sau khi trừ chi phí, đem lại lợi nhuận khá”.
Nuôi vịt theo hướng an toàn, vịt ít hao hụt, đẻ sai, chất lượng trứng được đảm bảo. Theo anh Sang, để vịt đẻ đều, trứng to, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng; ngoài việc tiêm phòng vaccine định kỳ không được tiêm bất cứ loại kháng sinh nào.
Ngoài ra, cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên; chú ý phòng các bệnh thường gặp trên vịt như cúm gia cầm, tụ huyết trùng, bệnh tả…
Bên cạnh đó, có thể dùng đèn chiếu sáng bổ sung vào ban đêm (khoảng 3-5 giờ/đêm). Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích vịt đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống.
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: Mô hình triển khai thực hiện tại địa phương đã tạo được hướng chuyển biến tích cực trong định hướng chăn nuôi, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi vịt đẻ theo hướng an toàn dịch bệnh mang tính bền vững cao.
Đồng thời, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi vịt, giúp nâng cao giá trị sản phẩm trứng vịt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tiếp tục góp phần duy trì và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trứng vịt đang hoạt động, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người chăn nuôi an tâm phát triển sản xuất.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG