Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trong nước. Ảnh minh họa: Tư liệu |
Trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, người tiêu dùng (NTD) ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã, chất lượng và giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế. Do đó, đây cũng là yêu cầu để hàng Việt Nam không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của NTD.
Người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng Việt Nam
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như NTD về hàng xuất xứ trong nước. Theo Bộ Công Thương, sở dĩ hàng Việt Nam ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không thua kém gì hàng ngoại.
Đến nay, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.
Đặc biệt, kể từ sau dịch COVID-19, đã có 76% NTD Việt Nam chuộng hàng nội địa, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Việc xây dựng các mô hình này không chỉ giúp đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với NTD ở vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Trong khi đó, theo BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sức mua của NTD đối với hàng Việt Nam ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% NTD tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% NTD khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt Nam; tỷ trọng hàng Việt Nam tại các chợ chiếm trên 70%…
Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của NTD đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn ưu tiên của NTD Việt Nam.
Dạo quanh một vòng Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, chị Mỹ Duyên (Phường 1, TP Vĩnh Long) tìm và mua nhiều sản phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước vì ngày càng có mẫu mã đẹp và giá cả cạnh tranh. Theo chị Duyên, chất lượng hàng hóa đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, quan trọng nhất là phù hợp với điều kiện thu nhập thực tế của NTD.
Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho biết, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong siêu thị chiếm hơn 90%, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. NTD sẽ ưu tiêu lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đặc biệt là chú trọng vấn đề về sức khỏe. Hơn nữa, NTD ưu tiên những sản phẩm phù hợp với thu nhập.
Để hàng Việt Nam là ưu tiên chọn lựa
Theo ông Văn Quốc Hoàng, để hàng Việt Nam cạnh tranh bền vững trên “sân nhà”, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi về mẫu mã, kiểu dáng để thích nghi với thị trường. Đồng thời đồng hành, chia sẻ với NTD về giá cả. “Doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm hữu cơ (organic), truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây sẽ là xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới”- ông Hoàng đánh giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, cho biết, hiện tỉnh đã có 20 thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh thẳng thắn trên thị trường. Tuy nhiên, thời gian tới cần có sự hỗ trợ nhiều hơn về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới, áp dụng và đi sâu vào các nền tảng ứng dụng số phục vụ nhu cầu phát triển và phù hợp với giai đoạn thực tế hiện nay”- ông Nam cho biết.
Tại hội nghị đánh giá kết quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cần đổi mới về hình thức tuyên truyền về cuộc vận động cho phù hợp.
Cùng với đó các cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ các hình thức quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội để bảo vệ người sản xuất và NTD, không để xảy ra tình trạng lợi dụng uy tín, đội lốt sản phẩm Việt Nam làm mất lòng tin NTD.
Ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đề xuất Bộ KH-CN sẽ mở kho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể được tiếp cận với các đề tài nghiên cứu. Từ đó, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh, thay đổi, ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, mẫu mã, an toàn và có lợi cho sức khỏe của sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp.
“Trong giai đoạn này, khi hàng hóa đã được cải tiến chất lượng tốt hơn, mục tiêu phấn đấu chính là hàng Việt Nam chinh phục NTD Việt Nam, sau đó là tự hào hàng Việt Nam. Với mục tiêu này, các doanh nghiệp cần có sự chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chinh phục NTD trong nước”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.