1. Vị trí địa lý
Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, vị trí giáp giới như sau:
Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre;
Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp;
Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh;
Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Tọa độ địa lý tỉnh Vĩnh Long 9052’45’’ đến 10019’50’’ vĩ độ Bắc và từ 104041’25’’ đến 106017’03’’ kinh độ Đông.
Tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính, gồm 6 huyện (Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm); thị xã Bình Minh và Thành phố Vĩnh Long với 109 xã, phường, thị trấn ( 94 xã, 5 thị trấn và 10 phường).
Tổng diện tích tự nhiên 152.017,6 ha, đứng thứ 12/13 các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (lớn hơn thành phố Cần Thơ). Diện tích đất nông nghiêp 118.918,5ha, chiếm 78,23%; đất phi nông nghiêp 33.050,5ha, chiếm 21,74%. Trong đất nông nghiệp, đất canh tác cây hàng năm 72.565,4ha, chiếm 47,73% diện tích tự nhiên; trong đó chủ yếu là đất lúa (71.069,2ha); đất trồng cây lâu năm 45.372,4ha, chiếm 29,85%; mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 942,2ha, chiếm 0,62%.
2. Dân số – lao động.
Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2013 là 1.040.500 người (nam 513.400, nữ 527.600; thành thị 173.720, nông thôn 866.780, chiếm 6,8% dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 1,4% dân số cả nước. Mật độ dân số 684 người/km2; thành phố Vĩnh Long có mật độ dân số cao nhất với 2.934 người /km2; thấp nhất là huyện Trà Ôn với509 người/km2. Người Kinh chiếm khoảng 97,3%, các dân tộc khác chiếm 2,7% (người Khmer 21.820 người, chiếm gần 2,1%, người Hoa 4.879 người và các dân tộc khác 216 người). Người Kinh phân bố đều ở các nơi; người Khmer sống tập trung ở 48 ấp, 10 xã và 01 thị trấn thuộc 04 huyện Trà Ôn, Tam Bình, thị xã Bình Minh, Vũng Liêm; người Hoa tập trung ở thành phố Vĩnh Long và các thị trấn.
Lao động từ 15 tuổi trở lên 630.195 người (nam 338.081, nữ 292.024; thành thị 87.514, nông thôn 542.940). Lao động từ 15 tuổi đang làm việc 613.045 người (thành thị 89.902 lao động, nông thôn 523.143 lao động); nhà nước 30.983 người (5,05%), ngoài nhà nước 566.020 người (92,33%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 16.042 người (2,62%).
3. Địa hình.
Vĩnh Long có địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, cao trình khá thấp so với mực nước biển (cao trình tuyệt đối từ 0,6 đến 1,2m chiếm 90% diện tích tự nhiên), toàn tỉnh chỉ có khu vực thành phố Vĩnh Long và thị trấn Trà Ôn có độ cao trung bình khoảng 1,25m. Đây là dạng địa hình đồng bằng ngập lụt cửa sông, tiểu địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo ở giữa trung tâm tỉnh và cao dần về 2 hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít và ven các sông rạch lớn. Nhìn chung, địa thế của tỉnh trải rộng dọc theo sông Tiền và sông Hậu, thấp dần từ Bắc xuống Nam, chịu ảnh hưởng của nước mặn, lũ không lớn, có thể chia ra 3 cấp như sau:
– Vùng có cao trình từ 1,0 đến 2,0m (chiếm 37,17% diện tích) ở ven sông Hậu, sông Tiền, sông Mang Thít, ven sông rạch lớn cũng như đất cù lao giữa sông và vùng đất giồng gò của huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.
– Vùng có cao trình từ 0,4 đến 1,0m (chiếm 61,53% diện tích) phân bố chủ yếu là đất 2-3 vụ lúa cao sản với tiềm năng tưới tự chảy khá lớn, năng suất cao, trong đó vùng phía Bắc quốc lộ 1A l chịu ảnh hưởng lũ tháng 8 hàng năm.
– Vùng có cao trình nhỏ hơn 0,4m (chiếm 1,3% diện tích) có địa hình thấp trũng, ngập sâu.
Với điều kiện địa hình nầy, trong tương lai khi BĐKH toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, BĐKH với kịch bản mực nước biển dâng 1m, qua tính toán sẽ có các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn bị ảnh hưởng do nhiễm mặn và có khoảng 606 km2 (gần 40% diện tích) đất ở khu vực trung tâm tỉnh bị ngập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng (hệ thống đường giao thông, các công trình xây dựng, nhà cửa,…); ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và môi trường sinh thái, ĐDSH của địa phương.
4. Thời tiết – khí hậu – thủy văn
Thời tiết – khí hậu: Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng, ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình của tỉnh Vĩnh Long qua các năm biến động từ 27,3 – 28,4 0C, trong đó cao nhất là năm 2010. Trong năm này, nhiệt độ trung bình các tháng xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,4-1,0oC. Nhiệt độ cao nhất là 36,9oC, thấp nhất là 17,7oC và biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân là 7,30oC.
Bức xạ trên địa bàn tỉnh tương đối cao, bình quân số giờ nắng trong một ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp hàng năm đạt 79.600 cal/m2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550-2.700 giờ/năm. Nhiệt độ và bức xạ dồi dào là điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt
– Độ ẩm không khí bình quân 81-85%, trong tháng 9, độ ẩm đạt cao nhất là 90% và tháng thấp nhất là 74% (tháng 3,4).
– Số ngày mưa bình quân trong năm là 100 – 115 ngày với lượng mưa trung bình 1.300 – 1.690 mm/năm. Lượng mưa ở mùa khô xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng lượng mưa mùa mưa lại xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhìn chung, trong các tháng mùa mưa, lượng mưa tháng ở hầu hết các nơi trong tỉnh chỉ từ 35 – 50%, thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Tỉnh Vĩnh Long qua các năm không có các dạng khí hậu cực đoan mặc dù ở một vài nơi có xuất hiện lốc xoáy, ngập lũ, sét đánh vào mùa mưa hoặc mưa trái mùa trên diện rộng, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới biển Đông gây mưa nhiều ngày.
Thuỷ văn: Tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông thông qua 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu cùng với sông Mang Thít và hệ thống kênh rạch. Cụ thể:
– Sông Cổ Chiên là nhánh của sông Tiền, có chiều dài 90km, đoạn đi qua Vĩnh Long mặt cắt sông rộng trung bình 1.700m, độ sâu 7 – 10m, lưu lượng dao động từ 1.814 – 19.540m3/s.
– Sông Hậu là nhánh lớn thứ hai của sông Mêkông chảy qua địa phận Việt Nam với chiều dài khoảng 75km, lưu lượng bình quân dao động từ 1.154 – 12.434m3/s.
– Sông Măng Thít nối sông Tiền và sông Hậu, cửa sông ở phía sông Tiền lớn hơn phía sông Hậu. Do tác động của triều cường từ sông Cổ Chiên và sông Hậu, sông Mang Thít chảy theo hai chiều nước vào và ra ở hai cửa sông, cụ thể khi triều cường lên nước chảy vào từ hai cửa sông Quới An và Trà Ôn; khi triều cường xuống nước sông chảy ra từ 2 cửa trên, vùng giáp nước 2 chiều là cửa Ba Kè (ngã ba Thầy Hạnh) cách sông Hậu 17km. Sông Măng Thít không bị ảnh hưởng mặn nên có nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Tuy nhiên do cao trình đất ở vùng phía Bắc sông Măng Thít thấp trũng nên vấn đề thoát nước sẽ khó hơn.
Mực nước và biên độ triều trên các sông khá cao, cường độ triều truyền mạnh, vào mùa lũ biên độ triều khoảng 70 – 90cm và vào mùa khô, biên độ triều dao động 114 – 140cm, kết hợp với hệ thống kênh mương nội đồng nên có khả năng tưới tiêu tự chảy tốt, giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Thời tiết, khí hậu khá thuận lợi cho nông nghiệp theo hướng đa canh, thâm canh tăng vụ và thích hợp cho đa dạng sinh học tự nhiên phát triển. Tuy nhiên, do lượng mưa chỉ tập trung vào 6 tháng mùa mưa cùng với nguồn nước lũ từ khu vực thượng nguồn của sông MêKông tạo nên những khu vực bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và môi trường sinh thái khu vực.
Cổng TTĐT tỉnh