Chi phí đầu tư tăng trong khi giá cam sành giảm đã khiến nhà vườn gặp khó. |
(VLO) Theo nhà vườn trồng cam sành, giá cam cao nhất từ đầu năm đến nay chỉ đạt mức 8.500 đ/kg nhưng cầm cự không lâu, sau đó giảm xuống và giữ ở mức 7.000-7.500 đ/kg. Hiện một số thương lái đến vườn hỏi mua với giá dao động từ 6.000-6.500 đ/kg, giảm 500-1.000 đ/kg so tuần trước.
Trong khi chi phí đầu tư đã tăng hàng chục triệu đồng/công so những năm trước thì với tình hình giá cam tiếp tục giảm, giá các mặt hàng vật tư lại rục rịch tăng khiến nhà vườn trồng cam lo lắng.
Giá giảm, chi phí đầu tư tăng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cả nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp đã rục rịch tăng giá so tháng 7 vừa qua. Có thời điểm một số loại phân bón được bán cầm chừng, thậm chí có lúc các cửa hàng vật tư nông nghiệp báo “hết hàng”, đặc biệt là phân bón DAP vì loại này tăng giá cao nhất.
Cụ thể, so tháng trước, DAP 18-46-0 (của Trung Quốc, loại 1) hiện có giá 1.000.000 đ/bao 50kg, tăng 260.000 đ/bao; ure đạm Phú Mỹ giá 540.000 đ/bao 50kg, tăng 80.000 đ/bao); phân NPK 20-20-15, NPK 30-10-10, NPK 16-16-8… cũng đồng loạt tăng giá từ 50.000-100.000 đ/bao 50kg…
Thuê 30 công đất ruộng trồng cam ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình), anh Phạm Văn Đầy cho biết, vườn cam cho thu hoạch vụ đầu tiên hồi tháng 6 âl, với năng suất khoảng 5 tấn/công, giá bán 7.000 đ/kg, tính ra mỗi công cho thu hoạch khoảng 35 triệu đồng. Trong khi chi phí đầu tư lên đến 100 triệu đồng/công nên “lỗ đứt 2 tỷ đồng”.
Giá cam đang ở mức 6.000- 6.500 đ/kg. |
Hiện vườn cam của anh đang được làm bông cho vụ mới nhưng “giá vật tư những ngày gần đây đang tăng 5% so tháng trước nên hiện nông dân khá lo lắng. Mong giá cả vật tư được bình ổn, sắp tới giá cam sẽ cao để nông dân trồng cam có lời”- anh chia sẻ.
Anh Tư Hưởng ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn) cho biết, nhà có 5 công ruộng, sau nhiều năm làm lúa không có lời nhiều nên anh quyết định lên liếp trồng cam.
Năm đầu, bán được giá cao, sau khi trừ hết các khoản chi phí, vợ chồng anh tích lũy được mớ vốn nên tiếp tục mở rộng, thuê thêm đất trồng cam.
Tuy nhiên, với chi phí vật tư ngày càng cao, giá cam sành lại xuống thấp, anh chia sẻ “hiện đang phải vay mượn thêm để đầu tư cho vườn cam”.
Anh tính toán, những năm trước đầu tư mỗi công cam từ 50-70 triệu đồng, hiện chi phí đã tăng lên rất cao, khoảng 100 triệu đồng/công. Do vậy anh cho rằng, với mức giá 6.500 đ/kg như hiện nay thì năm đầu sản lượng phải đạt từ 13-14 tấn/công “may ra có thể huề vốn”.
Tuy nhiên, để đạt được sản lượng đó không dễ, vì ngoài kỹ thuật còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết và điều kiện đất đai thổ nhưỡng.
“Coi đất” trồng, theo hướng hữu cơ
Trồng trên đất nhà và thuê thêm gần 20 công cam, chú Sáu Vinh ở xã Trà Côn (huyện Trà Ôn) cho hay, do chi phí đầu tư đã lên rất cao nên dù đất nhà hay thuê thì cũng đều tính toán từ lúc đặt cây cam xuống đất đến lúc làm bông, bán trái.
Đất nhà cam vừa bán trái năm thứ nhất xong là chú đang chuẩn bị đậy màn phủ, làm bông bán tháng 6 năm sau- cuối vụ nghịch. Còn dây đất thuê, cam đang ra cơi 4 và thúc cho cây đến tháng 2 năm tới là sẽ làm bông, để bán vào đầu vụ nghịch.
Chú cho biết, “giá cả lên xuống thất thường nên hiện bà con không còn làm tập trung vào một nghịch nữa mà phần lớn làm bông theo lực của cây, đặc biệt là nếu có điều kiện thì cho trái không tập trung vào một thời điểm”.
Năm đầu, nếu thấy cây khỏe, cho đợt trái đầu sản lượng nhiều thì làm bông. Có khi nghịch vụ không có giá bằng vụ thuận- như năm nay. Tuy nhiên, cũng tính toán làm sao để tránh “đụng hàng” những trái cây của các tỉnh khác vào từ tháng 7-10 âl.
Nhà vườn trồng cam mong giá cả vật tư bình ổn. |
Hơn 20 năm gắn bó với cây cam, nông dân Nguyễn Văn Hoa ở xã Loan Mỹ (Tam Bình)- người trồng hơn 100 công đúc kết, trồng cam cũng tùy theo khu vực, tùy loại đất và phải có kỹ thuật.
“Có vùng đất hợp với cây cam nên trồng cả chục năm năng suất vẫn cao, trong khi có vùng trồng chỉ ăn được 3-5 năm”.
Còn đối với trồng cam trên đất ruộng thì theo kinh nghiệm của anh là phải “coi đất” mới quyết định trồng.
Theo đó, đối với khu vực đã có người trồng thì “xem người ta trồng đạt hay không. Nếu đạt, mình đào đất lên coi, nếu đất sét đỏ là đạt. Còn đối với khu vực chưa có ai trồng thì phải lấy vá đào lớp đất phía dưới lên coi là đất sét gì mới quyết định trồng hay không”.
Về kỹ thuật, dù nhận mình “biết được chút đỉnh do làm nhiều năm rút kinh nghiệm” nhưng anh Hoa bộc bạch: “Đi đâu thấy nhà vườn làm đạt thì tui cũng vào vườn để học thực tế, rồi đi đây đi đó học hỏi thêm và tích cực tham gia các hội thảo”.
Trồng gần 20 công cam, anh Nguyễn Hữu Thông ở ấp Rạch Nưng (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) than vãn: “Phân thuốc bây giờ mắc quá, nông dân làm vất vả, giá nông sản bấp bênh nên lời không nhiều, thậm chí còn bị lỗ. Đáng nói là khi giá xăng tăng thì giá phân thuốc tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng giảm thì giá phân thuốc vẫn “ngự” ở mức cao”.
Theo anh Thông, “nông dân trồng cam hồi xưa có thể lời nhiều chớ bây giờ lời meo lắm. Rất mong giá cả vật tư bình ổn, thị trường tiêu thụ trái cam ổn định”.
Để giảm chi phí phân thuốc và nâng cao chất lượng trái cam, anh Thông đã áp dụng trồng cam theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học, hạn chế thấp nhất sử dụng phân thuốc hóa học.
Bài, ảnh: THẾ QUÂN- NAM ANH