(VLO) Theo dự báo của ngành chức năng, xâm nhập mặn năm nay cao hơn năm 2024, khả năng mặn vào các sông nội đồng sẽ cao. Theo đó, có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô.
Để an tâm ăn Tết, người dân đã sớm thực hiện các biện pháp ứng phó hạn mặn. |
Theo dự báo, triều cường, mặn sẽ xuất hiện trong các ngày Tết. Do đó, các địa phương cần có giải pháp tăng cường phòng chống nguy cơ xâm nhập mặn và triều cường trong dịp Tết.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, tại ĐBSCL có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Vĩnh Long, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mực nước tại các sông trên diễn biến theo thủy triều, đỉnh mực nước xuất hiện trùng với kỳ triều đầu tháng Giêng âl, khoảng từ ngày 30-31/1 (nhằm ngày mùng 2-3 tháng Giêng).
Mực nước cao nhất dự báo tương đương với cấp báo động III và thấp hơn cùng kỳ khoảng 5cm, gây ngập lụt cho các địa phương giáp với tỉnh Trà Vinh và vùng ven sông Cổ Chiên, Sông Hậu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của triều cường, dự báo tình hình sạt lở bờ sông cũng thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh đó, theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thời điểm xuất hiện xâm nhập mặn bắt đầu khoảng từ ngày 24/1; sau đó độ mặn tăng dần và đạt đỉnh khoảng ngày 27-28/1 (nhằm ngày 28-29/12 âl) và duy trì ở mức cao trong vài ngày sau đó giảm dần theo thủy triều.
Cụ thể, trên sông Cổ Chiên: Tại trạm cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, cách cửa sông khoảng 50km, dự báo độ mặn cao nhất khoảng 4,5‰ (xuất hiện ngày 27-28/1), sau đó giảm dần theo kỳ triều.
Trên sông Hậu: tại trạm Tích Thiện (huyện Trà Ôn), cách cửa sông khoảng 55km, dự báo độ mặn cao nhất khoảng 1‰ (xuất hiện ngày 27-28/1), sau đó giảm dần theo kỳ triều.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân nên kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng. |
Trên sông Măng Thít, tại trạm Quới An (huyện Vũng Liêm), cách cửa sông khoảng 60km, dự báo độ mặn cao nhất khoảng 3‰ (xuất hiện ngày 27-28/1), sau đó giảm dần theo kỳ triều.
Để ứng phó với hạn mặn, triều cường ngay Tết Nguyên đán, các địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó trước Tết. Để bảo vệ vườn sầu riêng, chú Nguyễn Văn Ba (xã An Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Nghe thông tin cảnh báo mặn tăng trong những ngày Tết nên tôi đã chuẩn bị máy đo độ mặn, kiểm tra lại các đê bao, cống bộng xung quanh vườn. Trước khi tưới là tôi đo độ mặn, tôi cũng trữ nước trong mương để tưới khi độ mặn tăng”.
Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít cho biết: Hàng năm vào thời kỳ cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp và xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
“Thời gian qua, nhờ các thông tin dự báo, cảnh báo về các loại hình thiên tai như hạn hán, ngập úng, xâm nhập mặn,… khá chính xác, đúng thời điểm đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho huyện Mang Thít.
Hiện huyện có 3 trạm đo mặn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết nhằm chủ động phòng, tránh, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nguồn nước để cung cấp cho vụ Đông Xuân.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện”- ông Dư cho hay.
Tại huyện Vũng Liêm, ông Lê Văn Thăm- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho biết: Để ứng phó với hạn mặn trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết, ngành nông nghiệp đã thông báo kịp thời số liệu đo độ mặn đến ban ngành huyện, UBND các xã, ấp nắm để địa phương chủ động ứng phó phòng chống xâm nhập mặn qua các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội…
Đồng thời, tiếp tục phối hợp vận hành cống Vũng Liêm, Cái Tôm và cống Nàng Âm để điều tiết, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn. Bên cạnh đó, trực phòng chống thiên tai 24/24 để theo dõi diễn biến triều cường, mưa bão, hạn, xâm nhập mặn để thông báo kịp thời cho người dân nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Ngành chức năng tiếp tục rà soát các đê bao, đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp. |
Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông dịp Tết, ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông trong dịp Tết; tổ chức kiểm tra mực nước, đo độ mặn thường xuyên, vận hành các công trình thủy lợi để lấy nước ngọt và trữ nước tối đa vào hệ thống kênh, rạch, mương, ao, hồ phục vụ sản xuất, dân sinh khi độ mặn xuống thấp.
Đối với cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025, tranh thủ nguồn nước ngọt đảm bảo để tưới cho diện tích đã xuống giống (lúa, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày); vận động người dân phối hợp với chính quyền và các cơ quan quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chủ động phòng, chống, ứng phó ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất và dân sinh.
Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin về tình hình, diễn biến của triều cường, nắng nóng, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông đến các xã, phường, thị trấn, các ấp, khóm, HTX, tổ hợp tác sản xuất và người dân (thông qua hệ thống phát thanh, tin nhắn SMS, Zalo…).
Song song đó, kiểm tra và hướng dẫn neo đậu các lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng kỹ thuật đảm bảo an toàn, nhắc nhở các chủ cơ sở nuôi trồng không di dời lồng, bè vào sát bờ, đề phòng sạt lở bờ sông sau khi triều rút gây thiệt hại về người và tài sản. Tổ chức trực ban nghiêm túc với phương châm “Vui Xuân không quên nhiệm vụ”.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202501/dung-quen-ung-pho-han-man-trieu-cuong-trong-nhung-ngay-tet-3d66712/