Nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh được trưng bày, giúp người tiêu dùng, du khách dễ lựa chọn. |
(VLO) Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm (SP) OCOP không chỉ giúp doanh nghiệp (DN), chủ thể có cơ hội quảng bá SP, mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng, khách tham quan du lịch dễ tiếp cận các SP đặc trưng, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Sản phẩm OCOP- món quà du lịch
Nhằm thúc đẩy sản xuất các SP đặc trưng, đẩy mạnh tiêu thụ các SP OCOP hiện có, các SP có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Văn hóa-TT-DL và Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức thực hiện hỗ trợ điểm trưng bày, giới thiệu và bán SP OCOP tại nhà chờ Bến cảng hành khách tỉnh (Phường 9, TP Vĩnh Long), Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (TT Vũng Liêm) và nhà dừa CocoHome (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ).
Tại các điểm trưng bày, nhiều mặt hàng, SP OCOP của tỉnh được giới thiệu và được khách tham quan, người tiêu dùng quan tâm, như: bánh bông lan, trà hoa sâm, trà gừng, chả lụa, nem, khoai lang sấy, chôm chôm Bình Hòa Phước, dưa lưới sạch…
Chôm chôm cù lao An Bình |
Theo nhiều DN, điểm giới thiệu trưng bày SP OCOP không chỉ là nơi giao thương, kết nối, đưa SP trực tiếp tới tay người tiêu dùng mà còn giúp người tiêu dùng hiểu rõ, tin tưởng, giúp SP giữ vững thị trường, giải quyết khâu tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch gắn với kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Tham gia trưng bày SP tại nhà chờ Bến cảng hành khách tỉnh, chị Nguyễn Thị Đoan Trân- thành viên HĐQT SomoFarm Cửu Long (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: Đạt tiêu chuẩn OCOP là bảo chứng cho chất lượng SP của DN.
Điều này mang đến cơ hội rất lớn trong việc nâng cao uy tín chất lượng SP, thuyết phục đối tác hợp tác cũng như người tiêu dùng mua hàng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, chủ thể OCOP còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ trong việc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá SP.
Điển hình như chương trình khai trương điểm trưng bày và bán SP OCOP tại 3 vị trí “đắc địa” của tỉnh. Đây chính là yếu tố cực kỳ quan trọng và cần thiết giúp DN đưa SP chất lượng mang đặc trưng địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mai- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) cũng phấn khởi nói: “Điểm trưng bày SP OCOP được tổ chức rất ý nghĩa đối với DN. DN có thể quảng bá, đưa SP uy tín, chất lượng của mình đến gần với người tiêu dùng hơn”.
Đang chọn mua SP để làm quà cho người thân, cô Phan Thanh Nhàn (TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Tôi đến Vĩnh Long tham quan nhiều lần và lần này đã có thể dễ dàng chọn mua SP OCOP tại điểm trưng bày của nhà chờ về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Tôi thấy các gian hàng đa dạng SP, mẫu mã, bao bì đẹp, đầy đủ các thông tin nên rất yên tâm. Mong rằng Vĩnh Long sẽ có nhiều điểm bán hàng OCOP hơn nữa để du khách thuận tiện tìm mua và lựa chọn”.
Tiếp tục phát triển điểm trưng bày
Theo ngành chức năng, bên cạnh những lợi ích thiết thực đối với chủ thể OCOP thì việc tổ chức các địa điểm trưng bày và bán SP OCOP còn là giải pháp góp phần phát triển kinh tế du lịch cho tỉnh, là “chìa khóa” để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp, tích cực hỗ trợ cho các chủ thể OCOP thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá SP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu SP; tham gia các hội chợ, sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh…
Cùng với việc khai trương các điểm trưng bày và bán SP OCOP sẽ giúp các DN, chủ thể phát triển SP, đồng thời gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương. Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục mở thêm các điểm trưng bày, giới thiệu SP OCOP tại các huyện, thị và tại một số khách sạn trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Chương trình Mỗi xã một SP đã đi đúng hướng.
Đây là một giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho những SP nông nghiệp lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập người dân thông qua việc phát triển SP hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở các địa phương.
Trưng bày hàng hóa tại các điểm du lịch là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Bên cạnh đó, các SP OCOP có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo quy định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc SP.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP cũng còn một số hạn chế, như: SP OCOP chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, một số chủ thể OCOP còn hạn chế về năng lực nghiên cứu và phát triển SP chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá SP còn yếu….
“SP đạt chứng nhận OCOP là “bước đệm” để DN, các chủ thể làm ăn bài bản hơn, khoa học, tiến bộ hơn. Do đó, các DN, chủ thể cần chủ động nâng chất lượng SP, quan tâm đầu tư về mẫu mã, bao bì SP, có chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài để từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các DN, chủ thể OCOP khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị SP.
Đồng thời, cần tăng cường thông tin về các SP đặc sản, đặc trưng chương trình quảng bá du lịch…”- ông Nguyễn Văn Liệt nhận định.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, các SP OCOP của tỉnh chủ yếu được chế biến từ nguyên liệu tại chỗ, là SP đặc sản, thế mạnh của địa phương. Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một SP, toàn tỉnh có 98 SP OCOP, trong đó có 32 SP đạt 4 sao, 66 SP đạt 3 sao và đặc biệt có 2 SP đã trình Hội đồng OCOP cấp Trung ương chứng nhận SP đạt 5 sao. |
Bài, ảnh: TRÀ MY