Doanh nghiệp Vĩnh Long không ngừng liên kết, sáng tạo, đổi mới để phát triển. |
(VLO) Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã thành lập hội doanh nghiệp (DN) cấp huyện là Long Hồ, TP Vĩnh Long và Vũng Liêm, cộng đồng DN kỳ vọng sự gia tăng liên kết, hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh góp phần đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế DN, doanh nhân Vĩnh Long trong thời đại mới.
Liên kết cùng phát triển
Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 3.300 DN đang hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Khu vực DN đóng góp khoảng 38% GRDP và chiếm 15,07% tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh.
Tuy nhiên, DN của tỉnh tuy có sự gia tăng về số lượng và nguồn vốn đăng ký kinh doanh, nhưng đa số vẫn còn quy mô nhỏ, vốn thấp, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ còn hạn chế; chưa có các DN, doanh nhân có thương hiệu lớn; DN đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế… Đây là những thách thức rất lớn cho sự phát triển của kinh tế tư nhân trong những năm tới.
Trong bối cảnh đó, việc thành lập các hội DN cấp huyện sẽ góp phần tạo điều kiện để các DN liên kết nhau cùng phát triển. Theo ông Nguyễn Thanh Tân- Chủ tịch Hội DN huyện Long Hồ, DN tham gia vào tổ chức hội với mục tiêu tạo thành tiếng nói chung.
Từ đó giúp cộng đồng DN cùng phát triển, kết nối, giao thương với các DN, cộng đồng DN khác trong và ngoài địa bàn, trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Hội DN huyện Long Hồ hiện có 52 hội viên với nhiều ngành nghề, quy mô khác nhau, đảm bảo liên kết cùng phát triển.
“Hội sẽ là cầu nối để đoàn kết, tập hợp đội ngũ doanh nhân, DN cùng nhau hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị để cùng phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt thời mở cửa, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và khu vực…”- ông Tân chia sẻ.
Là hội DN quy mô cấp huyện được thành lập sau Long Hồ, Hội DN TP Vĩnh Long cũng sẽ là cầu nối của 69 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng nhau liên kết, phát triển.
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Long, nền kinh tế quốc gia nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi hội nhập ngày càng sâu rộng. Phần lớn các DN là vừa và nhỏ, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị,…
“Tổ chức hội thành lập sẽ từng bước khẳng định và không ngừng nâng cao vị thế trong cộng đồng DN và đời sống xã hội, tạo cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân, DN với các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể khác…”- ông Nam chia sẻ.
Ông Trần Chí Hiếu- Giám đốc Công ty CP Công nghệ TiTas (TP Vĩnh Long), cho biết, việc thành lập tổ chức hội đã khó, gìn giữ và phát triển hội càng khó hơn.
“Hội với vị trí, vai trò là tổ chức liên kết cộng đồng DN có tính chất tự nguyện, tự quản của cơ sở DN, không vì mục tiêu lợi nhuận. Hội DN TP Vĩnh Long phải đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chức năng cầu nối giữa DN với cơ quan nhà nước. Qua đó giúp cho DN phát triển bền vững”- ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Nam, sau TP Vĩnh Long, Long Hồ, Vũng Liêm, các địa phương còn lại sẽ phấn đấu thành lập các hội DN trên địa bàn.
Qua đó từng bước hình thành, tập hợp đông đảo DN, HTX, hội kinh doanh tiêu biểu có sự liên kết chặt chẽ để tồn tại, phát triển bền vững, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và khu vực…
Đổi mới để cạnh tranh
Từ nửa cuối năm 2023, nhìn chung kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực, sức cầu hàng hóa và dịch vụ tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp các địa phương trong nước dần tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Vĩnh Long phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Trong ảnh: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh họp mặt doanh nghiệp nhân dịp Xuân Quý Mão 2023. |
“Hiện tại, DN trong tỉnh cần phân tích, xây dựng mô hình tăng trưởng, tận dụng liên kết hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị của các DN trong tỉnh và ngoài tỉnh có sức cạnh tranh cao. Nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ vào DN tạo ra sản phẩm đặc thù mới, dịch vụ mới;…”- ông Nam cho biết.
Thực tế hiện nay, các cơ sở sản xuất, DN cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt các cơ sở, DN nhỏ và vừa thì máy móc, công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới.
Đồng thời năng lực quản lý, sự liên kết trong sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện; sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường…
Theo ông Trần Quốc Thắng- Phó Giám đốc Mobifone tỉnh Vĩnh Long, DN muốn tồn tại, phát triển nhanh chóng ngoài cần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của từng sản phẩm thì DN cũng cần thay đổi tư duy, định hướng phát triển và nhất thiết cần thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
“DN tham gia chuỗi cung ứng cả trong nước hoặc toàn cầu đều phải từng bước chuyển đổi và thực hiện kinh tế số. Đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ thông tin như hiện nay”- ông Thắng chia sẻ.
Là một đơn vị chuyên về sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm) luôn nhận thức rằng cần nhiều sự thay đổi để cạnh tranh và xây dựng thương hiệu vững chắc trên thương trường.
Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX, cho biết, công tác xúc tiến thương mại đã được nhiều cơ quan chức năng hỗ trợ thực hiện trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, để DN có thể phát triển bền vững cần có nội lực mạnh, phát huy tối đa yếu tố chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là trước khi ra sản phẩm mới cần thăm dò nhu cầu thị trường, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng…
“Đặc biệt là công tác chuyển đổi số là một yêu cầu bức thiết mà giai đoạn hiện nay bất kỳ DN nào cũng cần ý thức và thực hiện nghiêm túc.
Riêng HTX Tấn Đạt hiện đã áp dụng chuyển đổi số vào công tác “nhật ký đồng ruộng”, quản lý kế toán, sổ sách, thu chi, mua bán…
Kinh tế số hiện nay là một khái niệm không mới và DN muốn phát triển bền vững thì không thể tách rời hoạt động này”- ông Tài cho biết.
Tại buổi họp mặt DN nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm chia sẻ, hiện tỉnh đã hình thành được đội ngũ doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, sáng tạo, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới.
Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để các DN vượt qua khó khăn, phát triển mạnh hơn nữa.
Để tiếp sức cùng với cộng đồng DN không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; chia sẻ rủi ro; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân…
Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm yêu cầu DN, doanh nhân trong tỉnh luôn quan tâm trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; phát huy vai trò xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị DN, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu…
“Cần tận dụng sự phục hồi của thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa DN, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh”- Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Phấn đấu hàng năm có thêm 400 DN thành lập mới. Trong nhiệm kỳ, có 10 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY