Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các thực phẩm “xanh” không gây tác động tiêu cực đến môi trường. |
Hiện nay, người tiêu dùng (NTD) đã và đang có xu hướng chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố “xanh”, thân thiện môi trường. Doanh nghiệp (DN) tận dụng được cơ hội này để đổi mới sáng tạo sản phẩm theo hướng xanh.
Xu hướng xanh hóa
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, NTD ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Theo đó, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: gói rau, củ bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, sử dụng túi tự phân hủy, túi giấy, túi vải thay túi nilon,…
Xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, NTD cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh- sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh, DN phải đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu sản phẩm để phù hợp xu hướng NTD. Nhiều cơ sở, DN đã đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không sử dụng hóa chất cho sản phẩm, đăng ký thương hiệu nhãn hiệu, hạn chế bao bì nhựa… để tạo ra những sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe NTD và môi trường.
Đối với mặt hàng thực phẩm, DN sản xuất cũng đã có nhiều thay đổi từ phương pháp sản xuất, mẫu mã, bao bì, đa dạng sản phẩm để NTD có thêm nhiều sự lựa chọn.
Điển hình như, Cơ sở Sản xuất bún- bánh phở Ba Khánh (TP Vĩnh Long) đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, trang bị máy móc hiện đại, không sử dụng hóa chất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn. Đồng thời, cơ sở đã trang bị hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường.
Với mong muốn làm ra sản phẩm ống hút từ thiên nhiên thân thiện với môi trường, anh Phạm Lê Đạt- Công ty TNHH ECO ECO (xã Long Phú, huyện Tam Bình) sản xuất ra ống hút tre và được nhiều NTD biết đến. Theo anh Đạt, tre có thể tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Sản phẩm còn tạo giá trị về tinh thần, có thể khơi dậy và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của NTD.
Sản xuất ra ống hút tre. |
“Trong thời gian qua, công ty cũng đã chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ðiều này góp phần giúp các sản phẩm của công ty nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của NTD… Song song với ống hút tre, công ty phát triển thêm những sản phẩm khác như chén, muỗng, dĩa cũng từ nguyên liệu thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe và môi trường”- anh Đạt cho biết thêm.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Nhiều DN cho rằng, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần, khi mà thế hệ trẻ, gen Z vốn có mức độ quan tâm cao về các vấn đề phát triển bền vững sẽ tham gia vào lực lượng tiêu dùng chính. Do vậy, nhiều cơ sở, DN cũng đã và đang thực hiện, tham gia các hoạt động nhằm tuyên truyền và lan tỏa về lối sống xanh, xây dựng ý thức và thói quen bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho biết: Hầu hết hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt Nam chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn về sản phẩm được sản xuất tại các DN quy mô lớn. Các sản phẩm tại siêu thị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định thường xuyên và đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Thời gian qua, nhận thức của NTD về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng ngày một nâng cao. Theo đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP và các sản phẩm thân thiện môi trường khác như túi, bao cuộn thực phẩm, đồ dùng gia đình làm từ giấy, túi tự hủy… được NTD ưa chuộng và thường xuyên chọn mua.
Bên cạnh đó, các DN, nhà phân phối cũng đã liên tục đầu tư các công nghệ, giải pháp xanh, chú trọng tăng cường nhận diện sản phẩm xanh, thúc đẩy thói quen mua sắm xanh
đến NTD.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho NTD và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn không ít khó khăn.
Cụ thể như: ý thức trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường từ phía DN còn hạn chế, việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn, đã tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển xanh, các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ; nhận thức của NTD về sản phẩm xanh còn hạn chế…
Do đó, cần thiết có các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững. Cần phát triển và nhân rộng các mô hình DN xanh, đồng thời, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường sống và sức khỏe của con người.
Về phía các DN, cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng. Đặc biệt, luôn phải đặt vấn đề sức khỏe NTD là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Bài, ảnh: TRÀ MY