(VLO) Sáng 16/11, trong khuôn khổ Festival Gạch Gốm đỏ- Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 diễn ra hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2024, với chủ đề: “Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu”, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm trình bày tham luận tại hội thảo, sáng 16/11. |
Tham dự sự kiện này, ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã trình bày tham luận chủ đề: “Định hình không gian mặt nước trong cấu trúc đô thị theo hướng tăng cường hiệu quả khai thác kinh tế du lịch và sinh thái – thực tiễn tại Vĩnh Long”. Báo Vĩnh Long xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận trên.
“Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý tham dự Hội thảo!
Hiện nay, trước thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững, việc định hình không gian mặt nước trong cấu trúc đô thị đang trở thành một yếu tố then chốt, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội khai thác tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế sinh thái. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mạng lưới sông ngòi chằng chịt là một ví dụ điển hình cho cách mà việc quy hoạch không gian mặt nước hợp lý, góp phần vào phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Trong bài tham luận này, chúng tôi tìm hiểu các khía cạnh lịch sử và thực tiễn của quá trình chính trị kênh rạch, từ thời kỳ Chúa Nguyễn qua thời Pháp thuộc đến giai đoạn nay. Đồng thời, chúng tôi sẽ phân tích bài học thực tiễn từ các quốc gia có kinh nghiệm về quản lý và khai thác không gian mặt nước như Hà Lan.
Bài tham luận cũng sẽ giới thiệu các dự án thực tiễn của chúng tôi tại tỉnh Vĩnh Long- một trong những khu vực giàu tiềm năng để phát triển các mô hình đô thị và không gian sống ven sông, tạo điều kiện cho du lịch sinh thái phát triển, cũng như cải thiện sinh kế cho cộng đồng.
1. Thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và tình hình biến đổi khí hậu tại Vĩnh Long
Vĩnh Long, với lợi thế đất phù sa màu mỡ và hệ thống sông ngòi chằng chịt, từ lâu đã là vùng nông nghiệp, cây ăn trái quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn một nửa diện tích đất đai tự nhiên của tỉnh. Trước thực trạng đất đai đô thị bị chia nhỏ, sử dụng chưa hiệu quả, kết hợp với biến đổi khí hậu tác động sâu rộng, đã đặt ra những thách thức lớn cho phát triển đô thị bền vững và kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
1.1. Tình hình xâm nhập mặn
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hơn một nửa diện tích tự nhiên của tỉnh, gây suy giảm chất lượng đất và giảm năng suất cây trồng, tác động trực tiếp tới các vùng sản xuất nông nghiệp ven sông Hậu và sông Cổ Chiên, sông Măng Thít. Theo các kịch bản mô phỏng nguy cơ xâm nhập mặn thì ranh mặn 1,5 gram/lít đến năm 2050 lên tới khu vực thành phố Vĩnh Long, điều này ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước sinh hoạt của thành phố Vĩnh Long.
1.2. Đô thị dàn trải, quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp
– Diện tích tự nhiên toàn tỉnh Vĩnh Long: 152.573 héc ta. Diện tích đất đô thị: từ 10.021 ha năm 2020 tăng lên 12.652 héc ta năm 2030. Dân số tỉnh: Năm 2020: 1.023.000 người. Mật độ dân số bình quân: 6,7 người/héc ta. Năm 2025: 1.029.500 người. Mật độ dân số bình quân: 6,75 người/héc ta. Năm 2030: 1.031.000 người. Mật độ dân số bình quân: 6,76 người/héc ta. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người năm 2030 là 0,116 héc ta/người.
1.3. Biến đổi khí hậu
Đánh giá nguy cơ ngập đến năm 2050, theo kịch bản RCP 4.5, tỷ lệ ngập tại thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh lần lượt là 60,95% và 44,12%, với kịch bản RCP 8.5 là 63,81% và 44,91%. Mức nước biển dâng theo kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5 lần lượt là 23cm và 28cm.
1.4. Diện tích mặt nước lớn
Tổng diện tích mặt nước lớn hơn 20,13%, trong đó hơn 10,13% diện tích nước mặt bao gồm hệ thống sông ngòi, kênh rạch và 10% diện tích vùng ngập tự nhiên theo triều. Nguồn nước mặt của tỉnh Vĩnh Long phụ thuộc vào 4 dòng sông lớn chảy qua là sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Măng Thít; ngoài ra, còn có khoảng 90 sông rạch lớn khác như: Long Hồ, Ba Kè, Cái Vồn Lớn, Cái Cam, Ba Càng, Cái Ngang, Mỹ Thuận, Vũng Liêm, Ngã Chánh, Trà Ngoa, Cái Nhum, rạch Chà Và, Bưng Trường, Hòa Tịnh, Cái Sao… và nhiều kênh, rạch khác tạo thành hệ thống kênh rạch khá chằng chịt, phân bố đều khắp trong tỉnh và chiếm tỷ lệ 10,13% tổng diện tích tự nhiên (cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 5,79% và cả nước là 3,26%).
Để đối mặt với những thách thức hiện nay, Vĩnh Long cần chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng đô thị tích hợp, kết hợp hài hòa giữa khu ở, dịch vụ và không gian xanh, khai thác tốt không gian mặt nước cho phát triển đô thị và các hoạt động kinh tế. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn: nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… nhằm tăng năng suất, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
2. Quá trình chỉnh trị sông ngòi, kênh rạch tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn lịch sử khẩn hoang
2.1. Mạng lưới nước cấp Vùng
Quá trình chỉnh trị sông ngòi và kênh rạch tại Đồng bằng sông Cửu Long trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ thời kỳ khẩn hoang đến thời Pháp thuộc và kéo dài đến hiện nay.
Ban đầu, khu vực này được triều Nguyễn quan tâm phát triển hệ thống kênh rạch để mở rộng đất canh tác và phát triển giao thông thủy. Đáng kể nhất là công trình đào kênh Vĩnh Tế, bắt đầu từ năm 1819 dưới thời vua Gia Long, với mục đích phát triển nông nghiệp, ngăn chặn giặc ngoại xâm và tạo điều kiện giao thương. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã đẩy mạnh việc nạo vét và mở rộng hệ thống kênh rạch nhằm phục vụ cho mục tiêu khai thác thuộc địa, đặc biệt là để vận chuyển hàng hóa như lúa gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Sài Gòn và các cảng quốc tế. Năm 1875, một ủy ban thường trực đã được thành lập để quản lý và hoàn thiện mạng lưới đường thủy từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây, trong đó có việc đào mới và mở rộng nhiều kênh như Cột Cờ, Nước Mặn và Trà Ôn.
Thời kỳ Toàn quyền Pôn Đu mơ (1897 – 1902) đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc mở rộng hệ thống kênh rạch, với các công trình quy mô lớn như kênh Rạch Giá – Hà Tiên, nhằm khai thác và mở rộng vùng tứ giác Long Xuyên, từ đó giúp tăng diện tích đất canh tác. Trong giai đoạn từ 1914 đến 1929, hệ thống kênh rạch tiếp tục được mở rộng với khối lượng đào đắp khổng lồ, lên đến 177 triệu mét khối đất cho 1.664 km kênh mới.
Qua các thời kỳ, việc chỉnh trị sông ngòi và phát triển hệ thống kênh rạch không chỉ cải thiện khả năng canh tác, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, thương mại và góp phần hình thành nên cấu trúc kinh tế – xã hội đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của vùng đất này trong bối cảnh hiện nay.
2.2. Mạng lưới nước tại Vĩnh Long
Mạng lưới nước tại Vĩnh Long có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Đặc điểm nổi bật của mạng lưới này là sự đa dạng và phong phú với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có hệ thống kênh rạch tự nhiên và nhân tạo phong phú, tạo nên một mạng lưới nước bao phủ khắp khu vực, giúp vận chuyển và lưu thông nước một cách hiệu quả, đồng thời phục vụ cho nông nghiệp và đời sống dân cư.
Tỉnh Vĩnh Long có 3 nguồn nước chính từ 3 con sông lớn đi qua, bao gồm: sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, ngoài ra còn có vô số rạch và kênh đào xẻ ngang xẻ dọc khắp tỉnh. Những con rạch chính như Mang Thít, Sông Ngang, Long Hồ, Bà Kè, Vũng Liêm, Bà Phong, Cái Cá, Cái Cau. Sau khi Vĩnh Long là thuộc địa của Pháp, chính quyền tỉnh đã cho đào nhiều con kênh để nối liền các con rạch với nhau, như: Kênh Thầy Cai, Cái Cau, kênh Chà Và, kênh Bocquet, kênh Ông Me, kênh Bưng Trường, Trà Ngoa, Huyên Thuyền… Hệ thống kênh rạch này đóng vai trò quan trọng trong việc tháo nước và dẫn nước để canh tác.
Phân tích cho thấy, hệ thống sông nước ở Vĩnh Long hỗ trợ phát triển nhiều loại hình kinh tế, như canh tác lúa nước, trồng cây ăn trái, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản. Ngoài ra, các hệ thống đê bao và bờ kè cũng đã được xây dựng để kiểm soát lũ lụt và bảo vệ mùa màng. Các khu vực có tầng mức ngập khác nhau cũng được tận dụng để phát triển các loại hình nông nghiệp khác nhau như nuôi trồng thủy sản ở vùng ngập sâu và canh tác hoa màu ở vùng ngập nông. Cảnh quan sinh thái của Vĩnh Long không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang lại tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm và khám phá vùng sông nước Nam Bộ. Nét văn hóa sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” từ xưa đến nay vẫn được gìn giữ và phát triển, tạo sức hút du lịch và là nguồn cảm hứng cho việc tái tạo không gian sinh hoạt trên sông nhộn nhịp, sầm uất đặc trưng của miền Tây.
Nhìn chung, mạng lưới nước tại tỉnh Vĩnh Long không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho khu vực này.
3. Bài học thực tiễn từ đê bao đa tầng của Hà Lan
Mô hình đê bao đa tầng của Hà Lan là một giải pháp quản lý nước thông minh, được phát triển nhằm đối phó với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra tại quốc gia này. Thay vì chỉ xây dựng đê bao thông thường, đê bao đa tầng được thiết kế theo cấu trúc phân tầng, cho phép nước tràn vào có kiểm soát và tạo điều kiện cho đất đai phù sa bồi đắp tự nhiên. Đây là một hệ thống phức hợp, vừa bảo vệ an toàn cho khu vực sinh sống và sản xuất của con người, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên để cải thiện chất lượng đất.
Một điểm nổi bật của đê bao đa tầng là tích hợp yếu tố sinh thái và cảnh quan vào hệ thống đê điều. Các tầng đê được thiết kế sao cho phù hợp với mức ngập nước tự nhiên theo mùa, từ đó tạo ra các khu vực ngập nước nông, ngập trung bình và ngập sâu. Mỗi tầng đê được sử dụng cho những mục đích khác nhau: các tầng ngập nông có thể trồng trọt, các tầng ngập trung bình có thể nuôi trồng thủy sản, còn các tầng ngập sâu thường là khu vực bảo tồn sinh thái và cảnh quan. Cách phân tầng này giúp giữ phù sa và cải tạo đất, rất phù hợp cho các vùng đất trũng như Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.
Hơn nữa, đê bao đa tầng còn giúp giảm chi phí và công sức duy trì, vì nó tận dụng thiên nhiên để bồi đắp và tái tạo đất đai thay vì phải nạo vét hoặc xây dựng nhân tạo. Hệ thống này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển các mô hình kinh tế sinh thái và du lịch. Những khu vực ngập sâu có thể phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách đến trải nghiệm cảnh quan đặc sắc, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Bài học từ đê bao đa tầng của Hà Lan là một minh chứng cho thấy cách mà con người có thể hài hòa giữa nhu cầu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, thông qua việc sử dụng hệ thống quản lý nước thông minh. Đây là mô hình mà Việt Nam có thể áp dụng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn cho người dân và phát triển sinh kế lâu dài tại Đồng bằng sông Cửu Long.
4. Mực nước đặc trưng tại trạm Tân An (sông Vàm Cỏ Tây)
Trong quá trình nghiên cứu mực nước các dòng sông lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đã có những phân tích, tổng hợp các dữ liệu về mực nước đặc trưng theo tháng và theo năm, đặc biệt là các thông số mức nước tại trạm thủy văn Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây. Các đánh giá và phân tích mực nước trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 2019, cho thấy các đặc trưng cao độ mức nước được chia ra theo cao độ thấp, trung, cao, tương ứng với 3 mức ngập: khu vực ngập nước sâu, ngập trung bình, ngập nông. Đây là cơ sở để thiết kế mô hình đê bao đa tầng tại khu vực Tân An và các khu vực lân cận có mực nước tương đồng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
5. Kết luận- kiến nghị
Qua những nội dung trình bày, chúng tôi chỉ ra vai trò thiết yếu của việc quản lý và khai thác không gian mặt nước trong cấu trúc đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực gia tăng dân số tại Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích mặt nước rộng lớn và cảnh quan đặc trưng, Vĩnh Long có tiềm năng khai thác mặt nước để phát triển, mở rộng không gian đô thị và tạo bản sắc sông nước vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt hình thành các không gian dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ven sông, kênh rạch. Phương thức này vừa tận dụng được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất, vừa hạn chế thấp nhất việc thu hồi đất lúa cho việc chuyển đổi thành không gian đô thị.
Kính chúc các vị đại biểu, các vị khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cám ơn!”
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202411/dinh-hinh-khong-gian-mat-nuoc-trong-cau-truc-do-thi-thuc-tien-tai-vinh-long-d1f5724/