Sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội. |
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu lúa gạo vừa gia tăng về cả khối lượng, giá trị và giá. Diễn biến thuận lợi này tiếp tục được dự báo sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm và cho cả năm sau.
Thời cơ đã đến nhưng để nắm bắt cơ hội này, ngành hàng lúa gạo vẫn còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ ngay và tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững lâu dài. Trong đó, trước hết, đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất (SX), đồng thời, tăng cường thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị.
Cơ hội cho ngành hàng lúa gạo đã đến
Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL chiếm 54% diện tích gieo trồng lúa cả nước.
Thời gian qua, việc giảm diện tích gieo trồng lúa là đi đúng hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo vì phần lớn diện tích giảm là nơi SX lúa có hiệu quả thấp, trong khi diện tích lúa Đông Xuân và lúa Hè Thu không giảm cho thấy những vùng SX lúa thuận lợi, chủ yếu là vùng chuyên canh lúa vẫn được duy trì với diện tích vùng chuyên canh cả nước trên 3 triệu hecta, trong đó ĐBSCL khoảng 1,5 triệu hecta.
Vĩnh Long xuất khẩu hơn 1.640 tấn gạo
Tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong 7 tháng năm 2023, các công ty xuất khẩu khoảng 1.645 tấn gạo, giá trị khoảng 844.000 USD. Thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp ở Vĩnh Long trong những tháng đầu năm chủ yếu là Philippines. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cung cấp khoảng 3.000 tấn gạo cho các doanh nghiệp trong nước để xuất sang các thị trường khác tại Trung Đông, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc…
|
Mặc dù diện tích gieo trồng lúa giảm từ năm 2010-2021 nhưng sản lượng lúa giảm không đáng kể. Nguyên nhân do năng suất lúa gia tăng rất ấn tượng là kết quả của các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, đặc biệt là tiến bộ về giống, quản lý hiệu quả sâu bệnh hại và sự phát triển của hệ thống thủy lợi trên khắp nước. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, trong đó, ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu.
Theo ngành nông nghiệp, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ như: cơ cấu chủng loại gạo đã thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ gạo thơm, đặc sản và gạo trắng cao cấp, nhờ vậy đã gia tăng giá trị gạo xuất khẩu; một số chủng loại gạo đặc sản của Việt Nam đã có giá xuất khẩu cao; gạo Việt Nam đã thâm nhập được các thị trường khó tính và bước đầu có thương hiệu.
Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm, bước đầu, tỉnh đã xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm cây lúa với hệ thống cung ứng đầu vào, đầu ra, sơ chế, xay xát, đóng gói chuyên nghiệp và liên kết trong SX- tiêu thụ lúa.
Từ đó đã nâng cao hiệu quả, giá trị hạt lúa và xây dựng được một số vùng chuyên SX lúa chất lượng cao, hữu cơ, thảo dược… Một số HTX đã xây dựng và phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị và định hình thương hiệu gạo.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ liên kết SX và tiêu thụ. Nông dân cũng chủ động ứng dụng cơ giới hóa vào SX áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nhiều địa phương đảm bảo 100% diện tích cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch lúa.
Từ năm 2010 đến nay, năng suất lúa ở ĐBSCL bình quân luôn cao hơn bình quân cả nước khoảng 0,1-0,2 tấn/ha và tăng từ 5,47 tấn/ha năm 2010 lên 6,24 tấn/ha năm 2021, tăng 0,77 tấn/ha. Ngoại trừ 2 năm 2016, 2017 năng suất lúa giảm do ảnh hưởng hạn, mặn, các năm còn lại đều có xu hướng tăng. Những năm gần đây sản lượng lúa ĐBSCL ổn định ở khoảng 24 triệu tấn và chiếm 55% sản lượng lúa của cả nước.
|
Cần thay đổi để đón đầu cơ hội
Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, trước những cơ hội lớn để xuất khẩu lúa gạo như hiện nay thì việc SX lúa gạo cũng còn gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, SX lúa ở quy mô nông hộ nhỏ, khó ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật; diện tích nông dân “bỏ lúa” ngày càng lớn vì gánh nặng chi phí; tỷ lệ gạo có thương hiệu còn thấp. Trong khi đó, SX lúa thiếu bền vững, thâm hụt vật tư đầu vào gây lãng phí, tăng giá thành và tác hại đến môi trường.
Dù kênh tiêu thụ lúa từ nông dân thông qua HTX cung cấp lúa cho doanh nghiệp có xu hướng tăng nhưng thực sự vẫn chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ, dài hạn và hiệu quả cao, đồng thời diện tích có liên kết SX- tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp còn rất thấp.
Giám đốc một HTX SX dịch vụ nông nghiệp cho hay: Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp thu mua không kịp thì nông dân bán cho thương lái bên ngoài.
Về các hợp đồng liên kết SX, hiện vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng SX, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân, HTX. Đó là chưa kể một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình SX…
Theo các chuyên gia kinh tế, SX lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Hiện nay nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu đối với gạo chất lượng cao gia tăng; tạo cơ hội cho nông dân trồng lúa tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình quy mô lớn về SX lúa bền vững gắn với tăng trưởng xanh đã được thực hiện, tạo điều kiện cho khả năng nhân rộng. Chính phủ cũng có chiến lược phát triển bền vững ngành lúa gạo, trong đó xác định lúa gạo có vai trò làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ đồng bộ về mặt chính sách, sự chung tay của doanh nghiệp và hơn hết là sự chủ động từ phía HTX, người nông dân trong việc đổi mới tư duy SX nông nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hình thành chuỗi liên kết vững chắc, các địa phương cần xây dựng thêm các cánh đồng lớn gắn với HTX; tăng cường tuyên truyền để nông dân hiểu rõ về lợi ích khi tham gia HTX. Đồng thời, có các chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia vào HTX; có chính sách hỗ trợ HTX để hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp.
Với điểm tựa từ HTX, thành viên HTX không còn lo “được mùa mất giá”, thương lái làm khó. Ngoài ra, các thành viên HTX còn tổ chức lịch xuống giống, thu hoạch cụ thể, đồng loạt để đảm bảo yêu cầu của các doanh nghiệp bao tiêu. Qua đó, hướng đến SX sạch nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo.
Các doanh nghiệp, ngành hàng lúa gạo cần tính toán ngay các chiến lược, kế hoạch để tận dụng thời cơ. |
Trước mắt, để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong SX lúa vụ Thu Đông, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, sử dụng giống lúa xác nhận; áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào trong SX; nông dân nên áp dụng các mô hình như: “IPM”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan
Thời cơ của ngành lúa gạo thực sự đã đến. Chúng ta có tiềm năng về thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, thậm chí năm 2024 là năm thị trường vẫn đang tiếp tục cần nhu cầu về gạo do nhu cầu mua dự trữ của các nước. Vì vậy, chúng ta có dư địa rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp, ngành hàng cần tính toán ngay các chiến lược, kế hoạch để tận dụng thời cơ này.
|
Bài, ảnh: TRÀ MY