(VLO) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (SBN) và địa phương (DDCI) Vĩnh Long 2023 được triển khai thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Vĩnh Long xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ ưu tiên. |
Đây là năm đầu tiên Vĩnh Long thực hiện khảo sát DDCI, thể hiện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh (HKD) và các nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh, đánh giá chất lượng công tác điều hành kinh tế và cải cách hành chính của 8 huyện, thị xã, thành phố và 21 SBN trên địa bàn tỉnh.
Đó sẽ là thông tin đầu vào quan trọng để chính quyền các cấp triển khai các chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư những năm tiếp theo.
Kết quả DDCI phản ánh điều gì?
Theo đơn vị tư vấn, Bộ tiêu chí DDCI Vĩnh Long 2023 được xây dựng và vận hành dựa trên các nguyên tắc và phương pháp tương tự Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai.
Theo Quyết định số 182 của UBND tỉnh Vĩnh Long, thì Bộ tiêu chí DDCI Vĩnh Long 2023 bao gồm 7 chỉ số thành phần cho khối SBN và 8 chỉ số thành phần cho khối địa phương, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực DN, HTX và HKD.
Bảng xếp hạng DDCI Vĩnh Long 2023 khối địa phương được thực hiện với 8 huyện, thị xã, thành phố. Dẫn đầu là huyện Vũng Liêm với 78,49 điểm, cùng với huyện Trà Ôn thuộc nhóm “Tốt”. Huyện Tam Bình và TX Bình Minh là 2 đơn vị thuộc nhóm “Khá” với mức điểm lần lượt là 69,78 và 65,58 điểm.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là TP Vĩnh Long (59,03 điểm), huyện Bình Tân (48,96 điểm), huyện Mang Thít (47,65 điểm) và huyện Long Hồ (43,35 điểm) thuộc nhóm “Trung bình”.
Theo đó, điểm trung vị toàn tỉnh là 56,02 điểm. Điểm số DDCI giữa đơn vị có vị trí xếp hạng cao nhất và thấp nhất trong các nhóm có sự chênh lệch.
Khoảng cách giữa địa phương xếp đầu và địa phương xếp cuối là 35,14 điểm, phản ánh sự khác biệt về chất lượng điều hành giữa các địa phương.
Về điểm xếp hạng các chỉ số thành phần: Tính minh bạch và Tiếp cận thông tin được DN đánh giá cao và xếp ở vị trí đầu tiên với 6,35 điểm.
Chi phí không chính thức và Phổ biến chính sách, pháp luật và hỗ trợ DN cũng gần sát điểm của chỉ số dẫn đầu. Tuy nhiên, 3 chỉ số thành phần dẫn đầu vẫn ở nhóm “Khá” và còn rất nhiều dư địa để cải thiện.
Nhóm chỉ số thành phần xếp cuối trong bảng xếp hạng là về An ninh trật tự với điểm số trung bình là 5,71 điểm, trong khi Tính năng động và hiệu lực của chính quyền địa phương xếp ở vị trí 7/8, và cần phải cải thiện khi điểm số ở mức trung bình.
Trong khi đó, khảo sát DDCI Vĩnh Long 2023 khối SBN được thực hiện với 21 SBN. Tuy nhiên chỉ có 16 SBN đủ số lượng đánh giá để tính điểm.
Điểm số DDCI khối SBN có sự phân hóa khá mạnh với sự chênh lệch 33,72 điểm giữa đơn vị dẫn đầu và đơn vị xếp cuối. Cụ thể, Ban Quản lý Các khu công nghiệp dẫn đầu với 83,3 điểm, tiếp đến là Sở Nông nghiệp-PTNT (80,71 điểm), thuộc nhóm “Rất tốt”. 6 đơn vị của nhóm “Tốt” là: Sở Lao động-TB-XH, Sở GT-VT, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và Sở Xây dựng.
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, doanh nghiệp phát triển cũng là tạo thêm nguồn lực giúp kinh tế- xã hội địa phương tăng trưởng. |
Theo đơn vị tư vấn, các đơn vị thuộc nhóm này rất có tiềm năng để vươn lên những vị trí dẫn đầu trong các năm tiếp theo. Khối SBN có 6 đơn vị thuộc nhóm “Khá” là: Sở GD-ĐT, Sở KH-ĐT, BHXH tỉnh, Sở Y tế, Sở Văn hóa-TT-DL, Cục Quản lý thị trường và 2 đơn vị thuộc nhóm “Trung bình”: Sở Thông tin-TT, Sở TN-MT.
Phân tích của đơn vị tư vấn cho thấy, các chỉ số thành phần của khối SBN thì kết quả về Phổ biến chính sách, pháp luật và hỗ trợ DN xếp ở vị trí cao nhất với 7,26 điểm, tiếp theo là Tính năng động và hiệu lực của hệ thống SBN với 7,01 điểm.
Tuy nhiên, 2 chỉ số cao nhất này cũng dừng ở mức “Tốt” và còn rất nhiều dư địa để cải thiện. Mảng về Chi phí thời gian và Tiếp cận đất đai xếp ở vị trí nhóm cuối của 7 chỉ số thành phần. Đây là 2 yếu tố chỉ số cần phải ưu tiên tập trung cải thiện.
Tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp
Theo kết quả công bố PCI năm 2023, VCCI chỉ xếp hạng 30 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, tuy không thuộc top 30 tỉnh/thành phố nhưng cũng đã có sự nỗ lực cải thiện trong chất lượng điều hành, thể hiện qua 8 chỉ tiêu thành phần đã cải thiện về điểm số so với năm 2022.
Trong đó, có các chỉ tiêu thực hiện tốt như Chi phí thời gian, Tính minh bạch, Gia nhập thị trường, Tính năng động của chính quyền tỉnh…
Việc không nằm trong nửa trên của bảng xếp hạng PCI năm 2023 cho thấy tỉnh Vĩnh Long còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện, từ đó đòi hỏi các ngành, các cấp cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới, trong đó cải thiện chỉ tiêu DDCI sẽ là động lực quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo đơn vị tư vấn, bài học kinh nghiệm của các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các địa phương nằm trong top 10 PCI năm 2023, đó là nhấn mạnh vai trò của triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến nội dung của các chỉ tiêu trong PCI; bên cạnh sự đồng thuận và nhịp nhàng trong hành động từ tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của triển khai chỉ tiêu DDCI.
Cải thiện chỉ tiêu DDCI sẽ là động lực quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện PCI của tỉnh. |
Trong báo cáo khảo sát kết quả đánh giá DDCI, đơn vị tư vấn cũng tổng hợp một số ý kiến của DN, HTX, HKD và ghi nhận nhiều ý kiến thú vị. Chẳng hạn, ý kiến đối với TP Vĩnh Long: “Cần bổ sung nhân sự hành chính công”; “TP Vĩnh Long thu phí vệ sinh DN quá cao, cần nghiên cứu thu thấp lại để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn”.
Đối với huyện Long Hồ: “Thông tin nên công khai, tiếp cận thông tin cần dễ dàng hơn”; “hỗ trợ một phần kinh phí cho các DN, HTX khi đi tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm”; hay “cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ, HKD phát triển tiếp cận hỗ trợ kịp thời nguồn vốn khi gặp khó khăn”…
Ông Đặng Văn Chính- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng: Lần đầu tiên Vĩnh Long triển khai DDCI năm 2023, đây là thước đo đánh giá năng lực quản lý, điều hành của địa phương, SBN, từ đó chủ động biện pháp hỗ trợ DN thiết thực, bình đẳng hơn. Các SBN, địa phương thực hiện tốt thì chia sẻ bài học kinh nghiệm, giải pháp.
Những đơn vị đạt thứ hạng thấp cần đánh giá thực chất đơn vị mình yếu, hạn chế gì và có giải pháp khắc phục ra sao. Cùng với đó, ông Đặng Văn Chính cũng nhấn mạnh phải hết sức chú trọng đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc có trách nhiệm, công tâm.
Vĩnh Long xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, các cấp, các ngành và địa phương cần nỗ lực thực chất, quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn, góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo.
DDCI (viết tắt của Department and District Competitiveness Index) là Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực điều hành cấp SBN và địa phương thuộc tỉnh. Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN, HKD cá thể, HTX đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số PCI hàng năm. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế của những lĩnh vực được khảo sát. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/ddci-thuoc-do-quan-ly-dieu-hanh-tung-don-vi-dia-phuong-8886f7e/