Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh (thứ 2 từ trái qua) cùng các đại biểu chiêm ngưỡng sản phẩm gốm đỏ.Ảnh: TRUNG PHẠM |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch (DL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, với nhiều kỳ vọng đột phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ với các nước trong khu vực.
ĐBSCL cũng là 1 trong 6 vùng DL trọng điểm quốc gia với những liên kết 1 trong 3 cực DL là TP Hồ Chí Minh. Vĩnh Long ít nhiều thiệt thòi khi không nằm trong các quy hoạch trọng điểm của hệ thống DL quốc gia.
Với quan điểm phát triển DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Bên cạnh tăng trưởng DL quốc tế, phải đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả DL nội địa; phát huy hiệu quả vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tăng cường hiệu quả liên kết ngành giữa DL với các ngành, lĩnh vực khác và liên kết vùng, địa phương và quốc tế. Trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển DL với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó, với những mốc tăng trưởng cụ thể qua từng giai đoạn. Năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển DL cao trên thế giới, phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9 %/năm. Đến năm 2030, DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. Phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15 %/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5 %/năm.
Cùng với mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, DL góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân. Giữ vững quan điểm phát triển DL bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Trên tinh thần đó, trong định hướng phát triển sản phẩm DL quốc gia, riêng về sản phẩm DL gắn với đô thị ĐBSCL TP Cần Thơ nằm trong chuỗi các đô thị trung tâm như: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng, TP Cần Thơ. Còn Phú Quốc được đề xuất trong 5 đô thị trọng điểm phát triển DL, đó là: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); bên cạnh đó, chú trọng gắn kết DL với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.
Còn trong tổng thể vùng ĐBSCL, được định hướng phát triển các sản phẩm DL trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên DL biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: DL sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; DL nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí.
Đặc biệt, tăng cường liên kết khai thác tài nguyên DL và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang- Đồng Tháp- Long An; Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng; Kiên Giang- Cà Mau. Liên kết với vùng Đông Nam Bộ theo các hành lang DL Bắc- Nam phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên- Rạch Giá- Cà Mau).
Quy hoạch xác định cụm: TP Cần Thơ- Kiên Giang- Cà Mau là khu vực động lực thúc đẩy phát triển DL toàn bộ vùng ĐBSCL, gắn kết phát triển DL với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam.
Định hướng tổ chức không gian DL Việt Nam với: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang DL chính, 11 trung tâm DL; hình thành hệ thống các khu DL quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu DL quốc gia. Nhìn trên tổng thể ĐBSCL chiếm một vị trí khá khiêm tốn; đồng thời hình thành phát triển “lệch” về trục ven biển và cực phía Nam, cho thấy sự thiếu cân đối, thiếu tính đa dạng trong tiềm năng phát triển của DL đồng bằng.
Vĩnh Long đa dạng hóa du lịch sông nước gắn với di sản làng nghề. Trong ảnh: Làng nghề gạch gốm đỏ Mang Thít. |
Trong khi để phát huy tối đa 1 trong 3 cực tăng trưởng DL quốc gia là TP Hồ Chí Minh, thì cần sự kết nối trung tâm DL này với 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên cả 3 trục dọc xuyên suốt đồng bằng, là: trục ven biển, trục ven biên giới và trục “xương sống” truyền thống bám theo QL1 như từ trước tới nay. Theo quy hoạch này, Vĩnh Long là địa phương ít nhiều chịu thiệt thòi khi không nằm trong các định hướng quy hoạch tương lai.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202410/dbscl-trong-quy-hoach-he-thong-du-lich-quoc-gia-ef30f14/