Các ngành chức năng liên tục kiểm tra, giám sát nhằm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.Ảnh minh họa: THẢO TIÊN |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả (HG) trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ…
Chủ động phòng, chống tội phạm
Theo BCĐ quốc gia chống BL, GLTM và HG (BCĐ 389 quốc gia), 6 tháng đầu năm, BCĐ 389 các địa phương đã chủ động làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị, lực lượng chủ động thực hiện công tác chống BL, GLTM và HG. Công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh đem lại hiệu quả cao; thông tin, tuyên truyền được lan tỏa rộng rãi đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.
Theo đó, cả nước phát hiện, xử lý hơn 64.000 vụ BL, GLTM, HG, giảm 2,82% so với cùng kỳ năm 2023; thu nộp ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng, giảm 7,53%. Trong tổng số các vụ việc trên, có 55.133 vụ GLTM và gian lận về thuế; 3.010 vụ HG, vi phạm sở hữu trí tuệ, lần lượt giảm 9,7% và tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2023; đã khởi tố hình sự 650 vụ với 1.912 đối tượng, giảm 44,25% về số vụ và giảm 18,82% về số đối tượng.
Tại Vĩnh Long, thực hiện Kế hoạch số 92 của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường chống BL, GLTM, HG trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, từ ngày 15/9/2022-15/5/2024, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 18.057 vụ, qua đó xử lý 1.980 vụ với tổng số tiền phạt 116,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện việc đấu tranh chống HG, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống, năm 2023, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 10.351 vụ, phát hiện 36 vụ vi phạm về HG với tổng số tiền phạt gần 1,1 tỷ đồng; trong đó trị giá hàng hóa tiêu hủy 557 triệu đồng, chủ yếu là phân bón giả, thực phẩm bổ sung vi chất giả, thực phẩm đóng gói.
Cũng theo đánh giá của BCĐ 389 quốc gia, thời gian qua đã có một số phương thức, thủ đoạn mới nổi lên. Cụ thể như lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu không khai báo, khai sai tên hàng, chủng loại hàng, khai không đúng số lượng hàng hóa thực tế, khai sai hàm lượng chứa trong hỗn hợp chất, khai thấp trị giá lô hàng, tuyến đường của lô hàng, trà trộn vào hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch những hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Hay hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong việc thành lập doanh nghiệp, đối tượng đăng ký thành lập nhiều công ty khác nhau (dạng công ty “ma”) nhưng không tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà xuất bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính số tiền lớn.
Đặc biệt là lợi dụng địa hình, thời tiết, các yếu tố phức tạp trên biển, gắn định vị, thả số lượng lớn ma túy (cocaine) có nguồn gốc từ khu vực châu Mỹ, châu Âu trôi dạt vào bờ biển Việt Nam; lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm…
Nâng cao năng lực và đạo đức, trách nhiệm cán bộ
Tại cuộc họp trực tuyến đánh giá công tác đấu tranh chống BL, GLTM và HG 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của BCĐ 389 quốc gia vừa được tổ chức, các đại biểu đã tập trung làm rõ phương thức, thủ đoạn cũng như khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, xuất nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh, BL, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc; mua bán trái phép hóa đơn; sản xuất, mua bán hàng nhái, HG tại các làng nghề.
Nhiều đại biểu nêu thực trạng cũng như các phương thức, thủ đoạn đối tượng thường lợi dụng để vi phạm… Từ đó, trao đổi bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị, các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, nâng cao hiệu quả chống BL, GLTM và HG trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- Trưởng BCĐ 389 quốc gia, yêu cầu các địa phương, đơn vị cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại như: một số đơn vị vẫn còn chưa chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ thực thi nhiệm vụ; việc kiểm tra, kiểm soát chưa thống nhất, thường xuyên, tạo nhiều kẽ hở; thậm chí một số nơi còn có hiện tượng làm ngơ, bao che, tiếp tay…
Số vụ việc được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với thực tế và yêu cầu; chưa thực sự nắm vững nghiệp vụ phát hiện, xử lý trên một số lĩnh vực như thương mại điện tử, vi phạm bản quyền; ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, ứng dụng công nghệ số, lợi dụng khoảng trống trong hành lang pháp lý quản lý hoạt động thương mại điện tử. Tội phạm ma túy vẫn là vấn đề nhức nhối, hệ lụy khôn lường…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ tình hình vi phạm lĩnh vực này trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tăng do nhu cầu mua sắm các dịp lễ, Tết cuối năm, xu hướng mua hàng online phát triển…
Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua được tích cực chủ động, đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.Ảnh minh họa |
“Các đơn vị theo chức trách, nhiệm vụ được giao, phải quyết liệt hơn, nêu cao vai trò của người đứng đầu; tăng cường phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp của hệ thống chính trị trong thực thi nhiệm vụ, trao đổi thông tin; tăng cường kiểm tra giám sát phát hiện các lỗ hổng, sai sót, hạn chế; nâng cao đạo đức công vụ, thường xuyên bổ sung năng lực làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức giúp người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông minh; rà soát để từ đó đề xuất, điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập. Các địa phương tập trung vào những lĩnh vực, điểm nóng; tăng cường trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin, tham khảo kinh nghiệm các nước để có các giải pháp tốt hơn trong chống BL, GLTM và HG…”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-day-manh-ung-dung-cong-nghe-so-3186026/