Các chủ thể có sự quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Thời gian qua, Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (SP) tỉnh Vĩnh Long (Chương trình OCOP) đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm, tham gia của các chủ thể OCOP trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng SP.
Qua đó, tạo ra SP có giá trị gia tăng cao, phát huy được nhiều SP lợi thế của địa phương. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.
Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, Chương trình OCOP đã và đang trở thành động lực để phát triển kinh tế, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ SP. Đồng thời, làm thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị SP, tạo ra những SP đa dạng, phong phú nâng tầm giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Nhiều HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển SP dựa trên đặc trưng thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu.
Là 1 trong 2 doanh nghiệp có SP được tỉnh đề xuất nâng hạng lên SP OCOP 5 sao năm 2023 với SP khoai lang tím sấy và khoai lang vàng sấy, bà Nguyễn Thị Mai- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (huyện Bình Tân) cho biết: Thời gian qua, công ty không ngừng đầu tư, cải thiện hệ thống máy móc hiện đại nhất để sản xuất ra những SP chất lượng. Bên cạnh đó, công ty đã hợp tác với các đơn vị cung cấp có uy tín trong tỉnh, ký kết hợp tác với các HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, công ty cũng sàng lọc SP trước khi đưa về nhà máy sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng chú trọng quảng bá hình ảnh SP, tham gia trên các sàn thương mại điện tử…
“Hiện nay, ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, 2 SP khoai lang vàng sấy và khoai lang tím sấy còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Brazil, Nga, với sản lượng bình quân từ 100-120 tấn/tháng. Đây là những SP được chế biến từ nguồn nguyên liệu đặc trưng tại địa phương, khi đạt chuẩn OCOP 5 sao- cấp quốc gia sẽ đem lại nhiều triển vọng hơn về thị trường xuất khẩu, đồng thời góp phần quảng bá SP đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế”- bà Mai cho biết thêm.
Doanh nghiệp chú trọng xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. |
Cùng với sự nỗ lực của các chủ thể, thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã triển khai các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển SP OCOP cho các địa phương; rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các SP tham gia thi đánh giá, phân hạng. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị, nâng cao chất lượng, bao bì SP và phát triển thị trường.
Bà Lâm Thị Thảo Trang- Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết: Qua công tác xúc tiến thương mại giúp các cơ sở, doanh nghiệp tin tưởng, chủ động tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, việc đạt chứng nhận OCOP giúp các doanh nghiệp định hướng thị trường, các SP nâng tầm thương hiệu, đủ sức cạnh tranh với các SP khác, vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cần tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng
Theo ngành chức năng, phát triển SP OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra SP có giá trị gia tăng cao. Bởi, tham gia chương trình là các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa…
Do đó, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ là cơ hội để các sản phẩm địa phương khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mà còn góp phần phát huy hiệu quả, tiềm năng bản địa hướng đến xây dựng các sản phẩm đặc thù và trở thành đặc sản của tỉnh.
Thời gian qua, Chương trình OCOP của tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được nhiều SP lợi thế của địa phương. Nhiều SP trước đây chỉ được tiêu thụ tại địa phương nay đã có mặt ở các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, điều này, đã mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất vừa góp phần tiêu thụ SP, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.
Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, hiện các chủ thể cũng đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; cải tiến mẫu mã và bao bì; tập trung xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và triển khai các chương trình về thương hiệu… nhằm tiếp tục nâng hạng, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao giá trị các SP Ocop đặc trưng, tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chương trình OCOP cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đa số các chủ thể tham gia Chương trình OCOP có quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển SP theo chuỗi giá trị; khả năng cạnh tranh của SP OCOP trên thị trường còn yếu… Bên cạnh đó, việc vận động, tuyên truyền về ý nghĩa của Chương trình OCOP cần phải được mở rộng thêm. Cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ các cơ sở đạt chuẩn OCOP tiếp tục nâng hạng để tạo hiệu ứng lan tỏa của chương trình.
Nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất vùng nguyên liệu đặc trưng thế mạnh của địa phương.
|
Để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới, ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho rằng: Đối với các SP đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu SP để phát huy được giá trị của SP OCOP tỉnh Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai, thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn tới, đặc biệt là mục đích, ý nghĩa và lợi ích của các chủ thể khi tham gia thực hiện chương trình. Tiếp tục lựa chọn các SP có tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đăng ký tham gia chương trình OCOP. Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với các chủ thể trong quá trình đánh giá, phân hạng, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ chủ thể xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định để tiếp tục phát triển SP OCOP…
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2019-2023), toàn tỉnh đã có 159 SP đạt chứng nhận OCOP (trong đó, có 59 SP đạt 4 sao và 100 SP đạt 3 sao) với 98 chủ thể (28 HTX, 2 tổ hợp tác, 20 công ty và 48 hộ sản xuất kinh doanh).
Năm 2023, Chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đơn vị, số lượng sản phẩm đăng ký vượt so với kế hoạch. Theo đó, năm 2023 có 36 SP đạt chứng nhận OCOP 4 sao, trong đó có 4 SP đủ điều kiện đề xuất 5 sao (sầu riêng ri 6 và sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty TNHH 6 Ri; khoai lang tím sấy và khoai lang vàng sấy của Công ty TNHH Đông Phát Food).
|
Bài, ảnh: THẢO LY