Dù có nhiều tiềm năng nhưng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thể “cất cánh” do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển được lý giải do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, liên kết vùng hạn chế và chậm cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương sau hơn 12 năm khai thác, hiện mỗi ngày có khoảng 52 nghìn lượt xe lưu thông, thường xuyên ùn tắc và hay xảy ra tai nạn giao thông. |
Các chuyên gia kinh tế, giao thông và đại biểu Quốc hội đều thống nhất đánh giá, trong giai đoạn sắp tới, việc ưu tiên đầu tư tập trung, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận theo quy hoạch để phát huy thế mạnh kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam là hết sức cần thiết, cấp bách.
Cao tốc luôn quá tải
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận là một phần của dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía tây kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm, đến nay tuyến đường đã mãn tải, không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện, nhu cầu lưu thông của người dân và không bảo đảm việc kết nối đồng bộ toàn tuyến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương sau hơn 12 năm đưa vào khai thác, hiện nay mỗi ngày có khoảng 52 nghìn lượt xe lưu thông, trên tuyến thường xuyên ùn tắc và hay xảy ra tai nạn giao thông khiến người dân trong khu vực rất bức xúc. Đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận mỗi bên chỉ có 2 làn xe, chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 23 nghìn lượt phương tiện, bắt đầu chạm mốc mãn tải. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe tăng cao đột biến, ngày cao điểm nhất dịp Tết Nguyên đán năm 2023 đã ghi nhận gần 40 nghìn lượt xe qua tuyến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hơn 21 triệu người dân sinh sống, đường cao tốc được coi là chủ lực và quan trọng nhất để tạo đột phá về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận là đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, rất cần thiết để nâng cấp mở rộng. Đặc biệt, đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận, vận tốc lưu thông tối đa hiện nay bị đóng khung mức 80 km/giờ là chưa hợp lý, cần phải đạt tiêu chuẩn 100km/giờ”.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình đầu tư tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải nhận định: “Việc sớm nghiên cứu triển khai đầu tư mở rộng, hoàn thiện đồng bộ đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận là hết sức cần thiết, cần được địa phương và các bộ, ngành quan tâm, phối hợp thực hiện.
Đánh giá cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận là tuyến kết nối trung tâm kinh tế-xã hội khu vực Tây Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng nhận định, do lưu lượng lớn, trong khi quy mô đường cao tốc chỉ 4 làn xe, đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận bố trí làn dừng khẩn cấp cách quãng nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hằng ngày.
Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông vận tải đã họp với các địa phương có tuyến cao tốc chạy qua gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang để tìm giải pháp đầu tư mở rộng cao tốc. Trong đó, tỉnh Tiền Giang đề xuất mở rộng đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận bằng nguồn vốn ngân sách, trong trường hợp đầu tư theo PPP, bộ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư PPP có là giải pháp tối ưu?
Với đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 7 lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này như Liên danh Cienco 6-Coteccons-Thuận Việt; Tập đoàn Đèo Cả,…
“Việc sớm đầu tư mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận là cần thiết. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, tập trung cao độ dự án cao tốc bắc-nam thì việc huy động nguồn lực xã hội hóa là cần thiết”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm.
Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc này nhằm sớm triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư. Bộ cũng kiến nghị cơ quan có thầm quyền, cơ quan chủ quản nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn mở rộng, hoàn thiện theo phương thức PPP hoặc đầu tư công; thống nhất với các địa phương nghiên cứu đoạn tuyến này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến khoảng 25 nghìn tỷ đồng (trong đó, đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương khoảng 13 nghìn tỷ đồng, đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận khoảng 12 nghìn tỷ đồng).
Trao đổi về phương án vốn để thực hiện đầu tư giai đoạn 2 tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm rất ủng hộ nếu thực hiện theo phương thức PPP và cho rằng, thực hiện theo hình thức này chắc chắn nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia. “Cần nghiên cứu cơ chế để có thể thực hiện đầu tư theo hình thức BOT chứ không thể sử dụng 100% vốn ngân sách để đầu tư các tuyến cao tốc. Tại sao có thể thực hiện được bằng nguồn vốn BOT mà chúng ta không làm, lại phải chuyển về đầu tư công?”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.
Theo đại biểu Hòa, vốn đầu tư công để đầu tư hạ tầng giao thông nên ưu tiên phân bổ về các địa phương còn khó khăn cần có đường cao tốc để phát triển nhưng khả năng thu hồi vốn thấp nên ít có nhà đầu tư quan tâm, hoặc dùng để nâng cấp các đường quốc lộ, tỉnh lộ,…
“Những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông cao lại đề xuất đầu tư công mà không ưu tiên theo hình thức PPP để giảm áp lực ngân sách cho Nhà nước; ngược lại, những tuyến đường lưu lượng thấp lại đề xuất đầu tư PPP là không phù hợp. Đây là những bất cấp trong triển khai đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo QUANG THÀNH – MINH TRANG/NDO