Nông dân cần vệ sinh đồng ruộng kỹ sau mỗi mùa vụ. |
(VLO) Đất trồng là yếu tố quan trọng hàng đầu để canh tác lúa đạt năng suất cao. Bởi nếu đất giàu chất dinh dưỡng, màu mỡ, tơi xốp sẽ giúp nông dân tiết kiệm phân bón, tăng hiệu quả sản xuất.
Ngược lại, khi đất không khỏe, đồng nghĩa với suy giảm chất lượng đất, không chỉ ảnh hưởng đến đặc tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, mà còn ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa.
Theo ngành nông nghiệp, đất là môi trường để cây trồng sinh trưởng và phát triển. Đất có đầy đủ dưỡng chất, hay nhiều người còn gọi là đất khỏe thì cây trồng mới sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy nhiên, trong điều kiện làm đê bao ngăn lũ để thâm canh, tăng vụ như hiện nay, cộng thêm các nguyên nhân khác đã làm cho đất ít có phù sa, giảm dinh dưỡng hơn trước.
Khi đất không khỏe hay đất bị suy thoái sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả, làm ảnh hưởng đến cấu trúc, thành phần và năng suất canh tác của đất.
Đầu tiên là sự mất các ion và chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng chẳng hạn như natri, kali, canxi, magiê,… Đặc biệt là độ phì nhiêu của đất sẽ giảm do hàm lượng chất hữu cơ giảm.
Bên cạnh đó cũng làm giảm lượng sinh vật sống trong đất. Sự mất cấu trúc của đất và sự phân tán của các hạt bởi các giọt nước trên đất trống gây nén dẽ đất, gây cản trở sự xâm nhập của nước, không khí, dễ gây ngập úng khiến cây trồng phát triển chậm, dễ mắc bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, khi chất lượng đất bị suy giảm (đất kém độ màu mỡ), gặp điều kiện bất lợi như nắng nóng hay mưa dầm đều gây bất lợi cho sự sinh trưởng của cây lúa.
Khi thời tiết nắng nóng, ruộng lúa thường xảy ra tình trạng xì phèn (gây ngộ độc phèn) hoặc ngộ độc hữu cơ (thường xuất hiện ở thời điểm lúa 30-50 ngày sau khi sạ) làm cho ruộng lúa sinh trưởng kém, trên lá có nhiều vết đốm nâu, rễ kém phát triển và thường bị thúi đen.
Khi thời tiết mưa dầm, ruộng lúa dễ bị chết giống do hạt dễ bị thúi, đặc biệt là ruộng lúa thường dễ bị đổ ngã, nhất là trong vụ Hè Thu và vụ Thu Đông, khi tiết trời thường âm u, mưa nhiều, thiếu ánh sáng nên cây lúa có khuynh hướng tăng trưởng theo chiều cao, khi gặp mưa to và gió lớn, đôi khi cả lốc xoáy, nếu cây lúa đang giai đoạn chín sữa trở đi rất dễ bị đổ ngã do mất cân đối trọng lượng giữa phần gốc và phần ngọn.
“Qua theo dõi sản xuất lúa nhiều năm nay tại Vĩnh Long nói riêng và cả ĐBSCL nói chung cho thấy, năng suất lúa trong những năm gần đây có dấu hiệu không tăng thêm, một số trường hợp bị sụt giảm do ruộng lúa sinh trưởng kém bởi tình trạng đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, tỷ lệ hạt lép nhiều hơn hoặc cây lúa dễ bị nhiễm nhiều dịch bệnh hơn so với trước đây.
Nhiều diện tích canh tác lúa trong 3 vụ chính ở các vùng của các tỉnh như Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng…. tuy có mở rộng nhưng hiệu quả lại không cao.
Nguyên nhân là một số nơi còn chịu ảnh hưởng của lũ, đất thường xuyên bị ngập lụt, người dân không bón được phân cho đất, đất nghèo dinh dưỡng dẫn đến bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung vi lượng và chất hữu cơ tốt khi canh tác 3 vụ lúa/năm trong một thời gian dài; ngược lại những nơi không chịu ảnh hưởng lũ thì do canh tác liên tục 3 vụ lúa/năm nên không có thời gian cho đất nghỉ, ruộng lúa không được xả lũ lấy phù sa nên cũng làm cho độ màu mỡ của đất bị suy giảm”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.
Nhiều nông dân cho hay, khi chất lượng đất suy giảm, nông dân phải tốn nhiều công sức cải tạo và chi phí phân bón, thuốc BVTV cũng tăng cao nhưng năng suất lúa lại không tăng làm giảm lợi nhuận cho người trồng lúa.
Do đó việc cải thiện và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để giúp cho đất khỏe là việc làm hết sức cần thiết để góp phần duy trì độ màu mỡ cho đất nhằm tiếp tục gia tăng năng suất và chất lượng lúa. Và tùy theo loại đất mà có cách làm phù hợp.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, sau khi thu hoạch lúa mùa thì cần rút nước, phơi ải, cày lật đất phơi khô, phơi càng khô càng tốt. Bởi trong vụ vừa thu hoạch trước đó, đất ẩn chứa nhiều chất độc.
Nếu được phơi khô thì các chất độc này sẽ bị phân giải, bay đi hay biến thành sản phẩm không độc. Bên cạnh đó, dưới ánh nắng mặt trời sẽ khiến các chất khó tiêu trở thành chất dễ tiêu.
Đất phải được cày sâu, bừa kỹ, dọn sạch cỏ dại và san phẳng mặt ruộng. Đất phải đủ độ nhuyễn, có lớp bùn bao phủ trên mặt ruộng để cho mầm mạ dễ bám, đồng thời, phải có đủ độ ẩm cần thiết cho mầm mạ phát triển tốt trong giai đoạn đầu.
Bón lót đủ lượng phân chuồng, phân xanh, vôi và các loại phân vô cơ cần thiết cho cây lúa sinh trưởng.
Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống, sau khi đã thu hoạch lúa Hè Thu cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ lúa rài, lúa chét và cỏ dại xung quanh bờ ruộng, xới trục kỹ và phải đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 14 ngày.
Đặc biệt những vùng xuống giống lúa Thu Đông không đảm bảo thời gian cách ly cần phải phun bổ sung chế phẩm sinh học có chứa nấm trichoderma, bón lót phân lân ngay khi làm đất lần cuối nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Xử lý vôi, bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao.
Trên những khu đất trồng lúa bạc màu, nên trồng xen hoặc luân canh các giống cây họ đậu như đậu phộng, đậu xanh, đậu nành… vì những cây trồng này có khả năng cố định đạm, tăng độ phì nhiêu của đất.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG