Sản xuất và xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN (TP Vĩnh Long) |
(VLO) Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo, nhằm sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023. Qua đó đánh giá thời gian tới cần cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Xuất khẩu gạo mở ra nhiều cơ hội mới
Theo Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đã tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và các hoạt động thương mại gạo.
Song, dưới sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần mang lại những thành tựu chung của nền kinh tế, trong đó xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ: rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát; thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo. |
Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so cùng kỳ.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,…
Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc; các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững, ngoài ra khu vực thị trường EU cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao (gần 30%).
Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến thất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo phục vụ trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Lượng lúa dành cho xuất khẩu trong năm ước trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.
Cơ cấu lại ngành lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực
Theo Bộ Công Thương, tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023, nhưng đến giữa tháng 7/2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Cụ thể như: lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)…
Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm này.
Cần cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong nước (ảnh minh họa). |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, cần thực hiện, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, về lâu dài, để xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển bền vững, mối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân phải thắt chặt hơn nữa để hình thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất được nguồn gốc… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp-PTNT cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Đặc biệt là tăng cường quảng bá nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh cả về sản lượng và giá trị sản phẩm gạo…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công thương, chương trình xúc tiến thương mại, đề án nâng cao năng lực xuất khẩu giai đoạn 2021- 2025, đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông- thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, phối hợp Sở KH-CN hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, Sở Nông nghiệp-PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng sản phẩm, cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, xây dựng ấn phẩm quảng bá sản phẩm lúa gạo của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY