Dù còn những khó khăn nhất định trong thực hiện, song thực tế thực hiện tại TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng cho thấy một số cơ chế, chính sách đặc thù giúp công việc ở địa phương “chạy nhanh hơn”.
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.
Cơ chế uỷ quyền đã được TP.HCM triển khai có hiệu quả
Đề cập kết quả chủ yếu trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, địa phương đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79 ha.
Quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư là 12.954,331 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư tăng từ 1.402,810 tỷ đồng lên thành 4.849,320 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu |
Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được thực hiện nghiêm túc với tổng số phí thu được khoảng 133 tỷ đồng đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, TPHCM phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) góp phần đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu danh mục trái phiếu theo hướng tăng kỳ hạn dài, giảm áp lực cho ngân sách thành phố trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để trả nợ.
Về nguồn vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, tổng số đã vay là 11.387.362 triệu đồng. Thành phố được cung cấp khoản vay theo hình thức cho vay hỗ trợ ngân sách chung cho Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển (DPO).
Đây là một bước đột phá của Thành phố trong việc tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn của nhà tài trợ quốc tế, là khoản vay hỗ trợ ngân sách đầu tiên nhằm thực hiện cải cách chính sách và hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho cấp địa phương. Đến nay, TPHCM vẫn đảm bảo mức dư nợ theo quy định.
”Sau nhiều năm tỷ lệ điều tiết liên tục giảm dần qua các thời kỳ thì đây là thời kỳ ổn định ngân sách đầu tiên tỷ lệ điều tiết cho thành phố đã tăng 3% (năm 2022, tương đương tăng khoảng 5.900 tỷ đồng), qua đó gia tăng thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển” – báo cáo của UBND TPHCM khẳng định.
Cơ chế uỷ quyền đã được TP.HCM triển khai có hiệu quả. UBND TP đã ủy quyền cho các sở – ngành, UBND cấp huyện thực hiện 59 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố; Chủ tịch UBND Thành phố đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở – ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Thành phố.
Về chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, UBND Thành phố đã phê duyệt kết quả thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.
Tuy mới đạt được kết quả khiêm tốn bước đầu, nhưng chính sách này có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm.
Liên quan việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP.HCM cho biết HĐND Thành phố khóa X đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như cơ cấu nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án một số dự án.
Cần Thơ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển thì cho biết, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2022 trao cho Cần Thơ 6 cơ chế, chính sách và 2 dự án.
Thực hiện nghị quyết, thành phố Cần Thơ đang thực hiện Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với tổng số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng và thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025 để tập trung thực hiện các dự án quan trọng của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển |
Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các giải pháp và có đề án cụ thể để thực hiện khai thác hiệu quả các nguồn thu, đảm bảo tăng thu ngân sách để thực hiện tự chủ và được hưởng các chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
UBND thành phố đã thành lập Hội đồng thẩm định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn thành phố.
HĐND thành phố đã thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm 2022 tại Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 08/7/2022, trong đó có 02 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10ha.
Dự kiến UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo thẩm quyền tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được quy định tại Điều 8 của nghị quyết, ông Dương Tấn Hiển cho biết dự kiến sẽ được phê duyệt sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
“Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ tập trung tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào vận hành trung tâm” – báo cáo nhấn mạnh.
Còn vướng mắc cần tháo gỡ
Hải Phòng cũng là địa phương được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng qua thực hiện thấy rằng cơ chế, chính sách này hiệu quả, nhất là rút ngắn được thời gian, thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Tùng đề nghị Quốc hội sớm sơ kết, áp dụng cho các địa phương khác “để công việc chạy nhanh hơn”; đồng thời nghiên cứu cơ chế đặc thù mới để một vài địa phương trọng điểm bứt phá đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cũng cho rằng, hiện nay Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm vấn đề phân cấp cho các địa phương, song còn một số nội dung phân cấp chưa đồng bộ, dẫn tới trình tự thủ tục chưa được rút ngắn. Do đó, cần nghiên cứu phân cấp triệt để hơn để thuận lợi hơn trong thực hiện.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải thì nhấn mạnh, việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thực tế nhiều chính sách đã đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, có chính sách triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Đơn cử như chưa có hướng dẫn thực hiện việc hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm.
“Mong Chính phủ quan tâm sát sao; các bộ, ngành có liên quan cùng địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, để các chính sách thí điểm mà Quốc hội ban hành sớm đi vào cuộc sống” – ông Mai Văn Hải nói.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN