(VLO) UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh đến năm 2030, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.
Phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- thương mại dịch vụ. Ảnh minh họa |
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Theo Sở Công Thương, giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 6,7 %/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8,06 %/năm.
Năm 2023, do tác động của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và tỉnh nói riêng, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 giảm 8,37% so với năm 2022.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa giai đoạn 2018-2023 tăng bình quân 4,28 %/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9,03 %/năm, năm 2023 đạt trên 750,9 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 12,77%.
Theo Sở Công Thương, giai đoạn này, tỉnh đã xây dựng chương trình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, định hướng đưa vào phương án phát triển khu, cụm công nghiệp đến năm 2030.
Đến nay, tỉnh có 2 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là KCN Hòa Phú (giai đoạn 1 và 2) và KCN Bình Minh, thành lập thêm 2 KCN Đông Bình và Gilimex Vĩnh Long, cùng 2 cụm công nghiệp Trung Nghĩa và Thuận An, trong đó, Cụm công nghiệp Trung Nghĩa đã đi vào hoạt động.
Theo ông Trần Nhựt Thanh- Giám đốc Sở Công Thương, năm 2023, mặc dù ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, song hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh, mạng lưới phân phối hàng hóa tiếp tục được tăng cường và mở rộng về số lượng và đa dạng về ngành nghề kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua sắm, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt gần 58.500 tỷ đồng, tăng 1,23 lần so với năm 2018.
Đến nay, ngành đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương, sàn giao dịch nông sản tỉnh. Ngành công thương đã thực hiện nhiều nội dung phát triển thương mại điện tử trên địa bàn như hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng, phát triển website, hỗ trợ ứng dụng chữ ký số…
Trong đó, ngành đã xây sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương giới thiệu, kết nối các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, thời gian qua ngành công thương vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư thương mại, xuất khẩu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế; tăng trưởng bình quân công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở mức khá nhưng chưa đạt mục tiêu của tỉnh đề ra, phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh quy mô sản xuất vừa và nhỏ; hoạt động xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản của tỉnh chưa ổn…
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo Sở Công Thương, đề án cơ cấu lại ngành công thương sẽ nhằm nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành, thực hiện có trọng điểm, bố trí nguồn lực cho việc phát triển các ngành kinh tế ưu tiên và các địa bàn kinh tế quan trọng.
Đồng thời gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, cơ cấu theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh, tích cực tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Theo ông Thanh, cơ cấu lại ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.
Đồng thời tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành công thương năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.
“Phấn đấu đến năm 2030, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- thương mại dịch vụ trong GRDP của tỉnh. Trong đó, khu vực nông nghiệp- thủy sản chiếm khoảng 26%, công nghiệp- xây dựng chiếm khoảng 25%, dịch vụ chiếm khoảng 45%”- ông Thanh cho biết.
Cũng theo ông Thanh, để thực hiện hiệu quả đề án, ngành sẽ tập trung vào các khâu đột phá. Trong đó, tập trung hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 2 khu công nghiệp quy hoạch gồm KCN Đông Bình, Gilimex Vĩnh Long. Tập trung thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Bình.
Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, cơ cấu ngành nghề hướng về công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ…
“Phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh… Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phát triển hạ tầng thương mại, tập trung phát triển thương mại tại TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, Tam Bình, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển thương mại truyền thống”- ông Thanh cho biết thêm.
Ngoài ra, ngành công thương cũng sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghệ cao.
Tận dụng các ưu đãi có được từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy quá trình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh…
Theo đề án, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 và 2030 cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12 %/năm (riêng năm 2030 có tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 22,2%); tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 870 triệu USD và 1-1,2 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân 11-12 %/năm. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202407/co-cau-lai-nganh-cong-thuong-thuc-day-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-3185046/