Một số người dân, nhất là những người lớn tuổi vẫn còn quen với việc làm hồ sơ giấy. |
(VLO) Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động về chuyển đổi số.
Song, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và “cần có lộ trình xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số phù hợp với điều kiện của địa phương, để đạt mục tiêu trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”- theo như khuyến nghị của ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh.
Những kết quả bước đầu
Xã Tân Lược (Bình Tân) hiện có 20 cán bộ, công chức (CBCC), được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và internet băng thông rộng phục vụ công việc, đạt 100%. Các phần mềm dùng chung có tính ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng, hỗ trợ xử lý thông tin.
Việc xây dựng chính quyền điện tử, trang thông tin điện tử, thư điện tử… được vận hành tốt, kịp thời cung cấp thông tin, công khai minh bạch.
“Hiện, tất cả công văn đi, đến của xã đều thực hiện trên phần mềm hồ sơ công việc, đạt 100%. Địa phương đang tuyên truyền, vận động người dân cài đặt định danh điện tử mức độ 2, thực hiện dịch vụ công trực tuyến…”- ông Lâm Tấn Phát- Chủ tịch UBND xã Tân Lược, cho biết.
Theo UBND huyện Bình Tân, việc xây dựng chính quyền điện tử đi đôi với nhiệm vụ cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Việc sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Huyện Long Hồ được tỉnh chọn làm điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số và chọn xã Long Phước làm điểm triển khai xã NTM chuyển đổi số.
Vì vậy, có lợi thế phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu cơ bản về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin an ninh mạng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước đạt hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể trong thực hiện chiến lược tổng thể cải cách hành chính.
“Chuyển đổi số đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội; công nghệ số đang được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ… góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng sống người dân, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho huyện thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước đạt kết quả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra”- ông Phạm Công Toàn- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Long Hồ, nhận định.
Tại buổi làm việc với các địa phương về xây dựng chính quyền điện tử và công tác đảm bảo an toàn thông tin, ông Nguyễn Đắc Phương đánh giá cao kết quả xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận với cách thức mới, tiết kiệm thời gian, công sức trong thực hiện TTHC. Đội ngũ CBCC, nhất là bộ phận một cửa tận tình phục vụ, hỗ trợ người dân thực hiện…
Cần đẩy nhanh phát triển chính quyền số
Theo UBND xã Tân Lược, quy trình thực hiện vẫn từ phần mềm chuyên môn qua phần mềm khác, gây áp lực cho CBCC khi thực hiện. CBCC phụ trách kiêm nhiệm, không có chuyên môn về CNTT nên gặp nhiều khó khăn trong tham mưu và thực hiện.
Đa số CBCC làm hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 thay cho người dân, do người dân ít quan tâm, e ngại công nghệ…
Việc thực hiện chuyển đổi số đem lại nhiều tiện ích cho người dân. |
Những khó khăn của xã Tân Lược cũng là khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh. Trên thực tế, dịch vụ công trực tuyến còn khá mới mẻ, người dân chưa nắm rõ, ngại sử dụng, khả năng ứng dụng công nghệ chưa cao nên thấy khó làm TTHC trực tuyến, vẫn duy trì thói quen truyền thống (gửi hồ sơ trực tiếp) gây khó khăn cho bộ phận một cửa.
Ông Phạm Công Toàn cho hay, toàn huyện có trên 40% máy tính CBCC của xã, thị trấn đã cũ kỹ, sử dụng cấu hình thấp, chạy hệ điều hành Windows 7, 8 (thế hệ cũ) không chạy được các ứng dụng dùng chung của tỉnh triển khai và không đảm bảo an toàn thông tin; thiếu các trang thiết bị cơ bản cho chuyển đổi số.
Ông Toàn đề xuất, xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí hoặc cấp mới trang thiết bị tại bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã về máy tính, máy scan, máy quét hình ảnh, máy quét mã QR… giúp cho địa phương ứng dụng CNTT trong thực hiện TTHC trực tuyến được thuận lợi, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, chuyển đổi số đạt hiệu quả.
Bên cạnh, nâng cấp, liên thông, kết nối các phần mềm quản lý chuyên ngành, các ứng dụng dùng chung của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng, thông tin của người dân chỉ cần nhập một lần và đẩy nhanh chuyển đổi số đạt hiệu quả.
Đồng thời, “hỗ trợ huyện trang bị, lắp đặt các trạm wifi công cộng để thực hiện dịch vụ đô thị thông minh, các camera giám sát an ninh công cộng; hỗ trợ lắp đặt các trạm truyền thanh thông minh; bố trí lắp đặt các màn hình thông tin cỡ lớn hướng dẫn thực hiện TTHC tại UBND huyện và UBND xã, thị trấn theo kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh…”- ông Phạm Công Toàn đề xuất.
Ông Nguyễn Đắc Phương khuyến nghị, cần tiếp tục củng cố BCĐ xây dựng chính quyền điện tử, củng cố các tổ và bộ phận một cửa… xây dựng quy chế làm việc, trong đó đề cao công tác phối hợp, kiểm tra; đánh giá, phân công cụ thể; sơ tổng kết công tác xây dựng chính quyền điện tử, đánh giá mức độ tham gia của người dân và trình độ, năng lực của cán bộ; tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng; xem xét bố trí kinh phí phù hợp để tăng cường máy móc, thiết bị cần thiết để phục vụ cho bộ phận một cửa.
Đồng thời, “phải phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể; đề cao và đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số, đặc biệt là phải làm sao để trong nội bộ nhận thức đủ, đúng, thống nhất về vị trí vai trò, tầm quan trọng của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bằng các kế hoạch cụ thể hơn, sát thực hơn”- ông Nguyễn Đắc Phương lưu ý.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI