(VLO) Xác định thương mại- dịch vụ (TM-DV) là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, thời gian qua, ngành công thương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh nội thương phát triển, đa dạng loại hình theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân.
Hoạt động thương mại- dịch vụ trong tỉnh đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đa dạng của người dân với sự đổi mới cả về cơ sở vật chất lẫn phương thức phục vụ. |
Kích thích thương mại- dịch vụ tăng trưởng
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hơn nửa đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành tiếp tục tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước.
Các hệ thống bán lẻ có nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng; tích cực triển khai chương trình kích cầu, gia tăng sức mua của người dân.
Dự đoán nhiều hoạt động kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng (TD) sắp diễn ra trong tỉnh là điều kiện để kích thích hoạt động TM-DV tăng trưởng.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TD 8 tháng ước đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước 600 triệu USD, tăng 27% so cùng kỳ năm trước, các mặt hàng xuất khẩu tăng là giày da, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng rau quả…
Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt thay đổi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tìm kiếm thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo nhiều DN, việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng vào nửa cuối năm nay đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% góp phần kích cầu TD, là động lực giúp DN tăng khả năng phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho biết: “Vì nhiều nguyên nhân khiến nhu cầu TD của người dân hiện đang có dấu hiệu giảm. Do đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí cho người dân, mà còn là điều kiện thuận lợi để siêu thị nâng cao doanh số bán hàng trong thời gian tới”.
Đồng thời, ngành công thương đã tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng thương mại từ truyền thống đến hiện đại, tạo điều kiện cho lĩnh vực TM-DV phát triển hài hòa, hợp lý.
Hiện toàn tỉnh có 115 chợ (1 chợ hạng I, 17 chợ hạng 2, 97 chợ hạng III và một số chợ tạm); 44 cửa hàng tiện lợi kinh doanh tổng hợp, 5 siêu thị và 2 trung tâm thương mại.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới nhà lồng, nâng cấp sửa chữa 13 chợ (đạt 86,66% kế hoạch năm) với tổng nguồn vốn đầu tư 38,73 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống chợ cũng được đầu tư, phát triển theo hướng xã hội hóa, toàn tỉnh đã có 50/115 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý từ ban quản lý sang DN, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý, trong đó các chợ hạng III tại các huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình đều được chuyển đổi 100%.
Tích cực thực hiện nhiều giải pháp
Doanh nghiệp bắt nhịp chuyển đổi số, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh. |
Thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra nhiều triển vọng phát triển cho lĩnh vực TM-DV. Theo đó, Sở Công Thương đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp phát triển TMĐT trong tỉnh, từng bước thay đổi hành vi TD theo hướng văn minh, hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, DN, HTX tiếp cận và ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cắt giảm chi phí quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tính đến hết tháng 4, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng website cho 16 DN; hỗ trợ cho 21 DN ứng dụng chữ ký số; 1 HTX ứng dụng công nghệ QR code truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Song song đó, sở đã tập trung thực hiện mô hình “Chợ 4.0- thanh toán không dùng tiền mặt”, có hơn 240 tiểu thương tại chợ Vĩnh Long đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money, kết nối với 30 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money hỗ trợ các giao dịch trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện.
Trong 6 tháng qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ, quảng bá 1.700 sản phẩm của hơn 370 cơ sở, DN, HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh trên Sàn giao dịch TMĐT ngành công thương tỉnh Vĩnh Long (trade.vinhlong.gov.vn)… góp phần giúp sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và các hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh tham gia chương trình kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trực tuyến, giao thương và thanh toán trực tuyến.
Phối hợp với các địa phương tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng online cho 270 lượt người tham dự là đại diện các cơ sở, DN, hộ tiểu thương trong tỉnh.
Nhận thấy hoạt động TMĐT mở ra nhiều tiềm năng phát triển, nhiều DN đã chủ động tiếp cận, xây dựng chiến lược bán hàng đa kênh, tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng.
Theo bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (Phường 1, TP Vĩnh Long): “Để đưa sản phẩm đến với người TD nhiều hơn, công ty đang tích cực chuẩn bị nhân sự, đầu tư trang thiết bị tổ chức các phiên bán hàng trực tuyến, đổi mới phương thức bán hàng đa kênh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tăng sức hấp dẫn với khách hàng”.
“Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng công cụ, cơ chế kinh doanh TMĐT, giúp DN phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, thị trường TMĐT vẫn còn khá mới với nhiều DN, trong khi hành vi của người TD thay đổi rất nhanh.
Do đó, các DN mong muốn cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ, tạo cơ hội liên kết giữa các DN, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh TMĐT hiệu quả”- bà Lê Trúc My đề xuất.
Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian mang đến nhiều triển vọng tăng trưởng cho các DN, đơn vị bán lẻ. Để phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ TD nửa cuối năm đạt 34.000 tỷ đồng, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. T
hực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành công thương đến năm 2030. Triển khai thực hiện đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ; đề án nâng cao năng lực xuất khẩu…
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với nhà phân phối, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, góp phần nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh.
Theo ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, thời gian qua siêu thị đã đẩy mạnh áp dụng các hình thức mua sắm, thanh toán tiên tiến để khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, như dùng thẻ và ví điện tử. Các quầy thu ngân của siêu thị đều bố trí thiết bị thanh toán điện tử như máy POS, QR code… liên kết với nhiều ngân hàng. Qua đó, giúp hoạt động thanh toán không tiền mặt tại siêu thị tăng mạnh, chiếm tỷ lệ thanh toán trong ngày khoảng 20%. Đây là phương thức thanh toán giúp đơn vị tăng vị thế cạnh tranh, người TD tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng trải nghiệm trong mua sắm. |
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202409/chuyen-doi-so-phuong-thuc-kinh-doanh-tat-yeu-de-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-cc067d2/