(VLO) Theo ngành nông nghiệp, thường khi vào mùa mưa lũ, triều cường, nhiều diện tích lúa, rau màu và vườn cây ăn trái hay dễ bị ngập úng nếu mưa liên tục nhiều ngày. Do đó, biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.
Khi vườn bị ngập, cần nhanh chóng thoát nước ra khỏi vườn. |
Nhiều tháng nay, tình hình thiên tai và mưa lũ tại khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long diễn biến khá phức tạp, thời tiết mưa giông liên tục và mực nước triều cường theo đó cũng dâng cao, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, từ đầu năm đến nay, giông, lốc, mưa lớn đã gây đổ ngã gần 1.800ha lúa Hè Thu, Thu Đông và nhiều cây xanh, làm chết giống 28,05ha lúa mới sạ. Bên cạnh đó, triều cường cũng đã làm 45,64ha cây ăn trái và 68,7ha rau màu bị ngập.
Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do ngập úng trên cây trồng, nông dân đã chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất.
Nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái cho biết, vào mùa mưa, bão, triều cường, nếu vườn cây không kịp thoát nước, bị ngập nặng thì bộ rễ cây dễ bị tổn thương, dễ bị các loại nấm bệnh tấn công như bệnh thối rễ, nấm rễ… làm cây chậm phát triển, rụng lá, rụng hoa và trái non. Nếu cây bị bệnh nặng, bộ rễ chính bị chết dẫn đến cây chết theo.
Bờ bao sạt lở, khiến con nước triều cường tràn vào vườn chôm chôm bất ngờ, chú Nguyễn Văn Lượm (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho biết: “Trước mùa mưa, triều cường, tôi cũng đã chủ động kiểm tra, rà soát lại bờ bao nhưng con nước lớn với mưa kéo dài gây sạt lở, nước tràn vào vườn trở tay không kịp.
Ngay sau đó, tôi cùng người dân xung quanh cũng đã nhanh chóng gia cố đê bao, đồng thời thực hiện các biện pháp phục hồi cây sau khi bị ngập như nhanh chóng bơm nước ra khỏi vườn, đào rãnh để nước rút xuống càng nhanh càng tốt, không bón phân khi cây chưa hồi phục”.
Theo ngành nông nghiệp, vào mùa mưa lũ, triều cường, tùy theo mức độ ngập úng nặng, nhẹ mà cây có thể bị chết, có nguy cơ bị chết hoặc sẽ làm cho cây sinh trưởng kém, làm giảm năng suất, chất lượng vào những mùa vụ tiếp theo.
Để khắc phục ảnh hưởng do ngập, mưa lũ gây ra và từng bước khôi phục sinh trưởng, phát triển cây trồng, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, giai đoạn vào mùa mưa cần hạn chế bón phân hữu cơ chưa hoai mục vì việc làm này sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng. Nếu vườn chẳng may bị ngập thì việc làm đầu tiên là cần nhanh chóng thoát nước ra khỏi vườn bằng nhiều biện pháp khai thông dòng chảy kể cả việc sử dụng máy bơm tát.
Đồng thời, tiến hành cắt tỉa cành vô hiệu và chồi vượt để hạn chế việc cây bị tiêu hao chất dinh dưỡng và tránh lay động gốc rễ khi vườn bị ngập.
Trong trường hợp vườn cây đang ra hoa hoặc mang trái thì cần cắt bớt hoặc bỏ một phần hoa, trái trên cây (trong trường hợp vườn bị ngập nặng và kéo dài thì nên cắt bỏ hết hoa, trái để cứu cây).
Sau khi nước đã rút, cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật để giúp cây phục hồi, nhất là việc tạo điều kiện thoát nước bằng cách đào thêm mương phụ hoặc xẻ rãnh nhỏ giữa các hàng cây trong vườn để nước rút thật nhanh, đảm bảo rằng không còn nước đọng trong vườn cây.
Sau khi đất khô, dùng cào cào nhẹ lớp đất bề mặt để phá váng, giúp không khí đi xuống dễ dàng và cung cấp oxy cho rễ hô hấp tốt hơn. Điều này rất quan trọng để rễ cây nhanh chóng phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, khuyến cáo: Giai đoạn cây phục hồi sau khi nước rút thì không được nôn nóng, bởi trong giai đoạn vườn cây bị ngập úng thường bộ rễ dễ bị tổn thương.
Do đó, khi cây trồng đang trong tình trạng yếu, cây chưa hồi phục thì tuyệt đối không được bón phân hóa học ngay mà phải chờ đến khi cây phục hồi hẳn mới bắt đầu bón phân lại.
Bởi vì lúc này có bón phân thì cây cũng không hấp thu được, gây lãng phí phân bón và còn phản tác dụng do phân bón hóa học có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ non.
Giai đoạn này tập trung việc vệ sinh vườn bằng cách thu dọn tàn dư thực vật, cắt bỏ cành bị tổn thương hoặc nhiễm sâu bệnh, rải vôi bột trên mặt liếp hoặc trực tiếp vào gốc.
Đồng thời chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các loại nấm đối kháng, có thể phun bổ sung các chất vi lượng hoặc sản phẩm kích rễ để giúp bộ rễ cây nhanh phục hồi.
Khi phát hiện cây có dấu hiệu phục hồi như ra nhiều rễ non, đâm thêm chồi mới, ra lá mới,… thì bón phân NPK hỗn hợp cân đối, tiếp tục bổ sung phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh Trichoderma, Trico-ĐHCT.
Kết hợp tủ gốc bằng rơm rạ mục hoặc vật liệu che phủ (cách gốc 30-50cm), đồng thời tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng, tránh tình trạng cây bị mất nước.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/nong-nghiep/202411/cham-soc-cay-trong-mua-mua-trieu-cuong-4c97b82/