Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, người nông dân canh tác trên đất lúa, chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại…
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 15/8. (Ảnh: DUY LINH) |
Chiều 15/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm rõ các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.
Chuyển đổi đất đai là một sự đánh đổi
Tham gia chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nói, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên chất vấn. (Ảnh: DUY LINH) |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa khoảng trên 4 triệu ha, hiện tại theo số liệu thống kê, đất lúa còn 3,93 triệu ha. Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thì chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa.
Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để bảo đảm an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế-xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa. “Đó là quy luật phát triển. Vấn đề là ta lựa chọn hướng nào”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, lương thực ra thế giới nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực suốt trong thời gian vừa qua. Ngay cả lúc có dịch Covid-19 vẫn bảo đảm tất cả chuỗi cung ứng, dù đứt đoạn cục bộ trong khu vực nào đó.
Bộ trưởng nêu rõ, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chịu trách nhiệm với Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương đều đã ổn định diện tích lúa, trong quy hoạch của tỉnh cũng đã phân khu vực dành cho đất nông nghiệp, đất lúa.
Tất nhiên, mọi quy hoạch không thể đứng yên bởi sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Song quan điểm là cố gắng giữ gìn bởi chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi. Đánh đổi có thể là ngang giá, có thể lời trước mắt hoặc lâu dài bởi quỹ đất là hữu hạn trong khi nhu cầu phát triển là vô hạn.
Do đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Vĩnh Long) thông tin, thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân.
Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao. Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cần bình tĩnh để có cái nhìn toàn diện trong xuất khẩu gạo
Cùng tham gia đặt câu hỏi, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm và định hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.
Về an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, một số nước cấm xuất khẩu gạo đem lại cho Việt Nam cơ hội, nhưng cần hết sức bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái, nếu không quản lý tốt mà chỉ nói một phía sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Tư lệnh ngành nông nghiệp dẫn nội dung công điện của Thủ tướng, nêu trong bối cảnh hiện nay phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo như là cam kết của Việt Nam, có trách nhiệm với thế giới trong bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh đó, cũng cần tránh những cú sốc giá trên thị trường nội địa, bởi giá tiêu dùng trong nước tăng sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Riêng về đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, có đến khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống, do đặc thù xuống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, nên không có mùa vụ rõ rệt như ở miền bắc, mà thực hiện xuống giống liên tục. Do vậy, vấn đề gối vụ, tính toán vụ hè thu, thu đông đối với đồng bằng sông Cửu Long chỉ mang giá trị thống kê.
Bộ trưởng khẳng định, trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, với tình hình biến đổi khí hậu ổn định như mấy năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu.
Về thực tế giá lúa gạo bị đẩy lên cao, Bộ trưởng phân tích giá nông sản quyết định bởi cung cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung cầu còn tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn.
“Tôi mong bà con nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, với tình hình biến đổi khí hậu ổn định như mấy năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Theo VĂN TOẢN/NDO