Những người “mua gánh bán bưng” “bám” vỉa hè mưu sinh, cần được sắp xếp có chỗ nơi làm ăn thuận lợi để an cư lạc nghiệp. |
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không riêng gì Vĩnh Long mà ở các nơi khác trong cả nước vẫn luôn trong vòng luẩn quẩn, chưa tìm được một giải pháp hiệu quả. Cần phải có cái nhìn đa chiều và “ứng xử” với vỉa hè theo góc độ hài hòa lợi ích và các khía cạnh của đời sống thị dân.
Có vỉa hè là có buôn bán, lấn chiếm…
Thực tế cho thấy, trong nội ô TP Vĩnh Long có nhiều tuyến đường có vỉa hè khá rộng như: Lê Thái Tổ, Phạm Thái Bường, Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng,… mặc dù vỉa hè bị chiếm một phần nhưng vẫn còn lối đi dành cho người đi bộ.
Trong khi đó, ở những tuyến đường khác như: 3 Tháng 2, 30 Tháng 4, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Văn Thiệt, Mậu Thân, 14 Tháng 9… vỉa hè không quá rộng, lại bị lấn chiếm có nơi gần như không còn… lối đi.
Bên cạnh đó, không ít tuyến đường như: đường 2 Tháng 9, Trần Phú… không còn thấy rõ vỉa hè hay vỉa hè bị chiếm dụng gần hết, nhưng khá “ngổn ngang và bề bộn”, xe qua lại đông đúc, người điều khiển xe và người đi bộ đều đi chung một một làn đường, rất nguy hiểm.
Khi trò chuyện cùng chị T. (ngụ đường 14 Tháng 9, Phường 5, TP Vĩnh Long) về “chuyện cái vỉa hè”, chị cũng không ngần ngại, nói: “Tui nhận thức được việc lấn chiếm vỉa hè là vi phạm, nhưng do ở đây ai cũng bày ra vỉa hè, mà mình không làm theo thì rất khó bán, khi nào có lực lượng chức năng đi kiểm tra thì dẹp vô, xong thì dọn ra bán”.
Anh S.- bán bơ trên đường 30 Tháng 4 (Phường 1, TP Vĩnh Long) thì “trước đây tui làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, bị mất việc làm do COVID-19, giờ không biết làm gì. Chạy xe ôm thì xe cũ kỹ quá, mà giờ ai cũng có xe, ít người đi, nên mới bám vỉa hè buôn bán kiếm sống qua ngày”.
“Nói thật, tui cũng vài lần được lực lượng chức năng nhắc nhở, có khi bị tịch thu cái cân, giấy tờ xe, phải lên phường nộp phạt và làm cam kết.
Biết rằng việc lấn chiếm vỉa hè là phạm luật, nhưng vì cuộc sống gia đình nên không còn sự chọn lựa nào khác. Bán buôn thì cũng vô chừng, ngày nào bán được kiếm cũng được tầm 200.000-250.000đ tiền lời, tạm đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình 2 vợ chồng và con nhỏ vài tháng tuổi”- anh S. bộc bạch.
Còn chị T. (Phường 8, TP Vĩnh Long) đã có suốt 28 năm gắn bó với vỉa hè ở góc đường Nguyễn Văn Lâu, chỉ bán duy nhất món xôi và bắp hầm được đựng trong một cái thau rất khiêm tốn…
Có thể thấy, việc lấn chiếm vỉa hè ở các con đường trong nội ô TP Vĩnh Long do những người có nhà tại chỗ, cố tình cơi nới thêm để trưng bày hàng hóa, dịch vụ ra vỉa hè hoặc người nơi khác đến chiếm vỉa hè để buôn bán (thường vỉa hè không phải trước nhà dân); những người bán quán cốc, hàng rong hoặc những chiếc xe đẩy bán hàng lưu động…
Hay ở những tuyến đường không có vỉa hè hoặc có vỉa hè, nhưng ít người qua lại, thì bị lấn chiếm bởi những đống vỏ dừa, củi khô, ụ đất, các xô chậu trồng rau, trồng cây kiểng hay chất chứa những vật dụng phục vụ kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt gia đình. Tất cả được bày ra trước nhà trông rất ngổn ngang, bề bộn…
Cần có cái nhìn đa chiều
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền không riêng gì Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực lập lại trật tự văn minh đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân, thì không lâu sau đâu cũng vào đấy và tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tiếp tục diễn ra như cũ, luôn trong vòng luẩn quẩn.
Mấy ngày qua, lực lượng chức năng lập chốt trên đường 30 Tháng 4, chúng ta không khó bắt gặp cảnh người lấn chiếm vỉa hè mang vác bàn ghế, vật dụng, hàng hóa… bỏ chạy khi thấy bóng công an, dân phòng, nhưng ngay khi vắng bóng lực lượng chức năng thì tình trạng tái lấn chiếm diễn ra như cũ.
Ghi nhận vào chiều 5/8, tầm sau 17 giờ, khi lực lượng làm nhiệm vụ ở chốt trực rút đi, thì ngay lập tức bàn ghế được bày ra vỉa hè, các xe đẩy bán hàng rong lại xuất hiện khắp lòng đường…
Thực tế cho thấy, nếu ra sức dẹp một cách máy móc tất cả những hoạt động trên vỉa hè, không phải lúc nào cũng mang lại những điều tích cực cho xã hội.
Chợ tự phát lấn chiếm lề đường. |
Do vậy, cần phải có cái nhìn đa chiều và “ứng xử” với vỉa hè theo góc độ hài hòa lợi ích và các khía cạnh của đời sống thị dân. Một vỉa hè được cho phù hợp và thuận lợi phải giải quyết được hai mục tiêu cốt lõi về cảnh quan môi trường, văn minh đô thị, người đi bộ và hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh tế, mưu sinh của người dân. Quyết liệt nhưng cũng cần nhân văn, có lý, có tình.
Không nên cứng nhắc xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, mà nên quy hoạch, sắp xếp lại cho trật tự, theo các tuyến đường cho phép và quy định thời gian kinh doanh.
Nghiên cứu có thể cho phép sử dụng vỉa hè, nhưng hạn chế trong một khung giờ đối với một số trường hợp như: nơi có vỉa hè, lòng đường rộng, có lối đi cho người đi bộ; người buôn bán trên vỉa hè không gây bất kỳ cản trở giao thông, không gây mất an ninh trật tự; chỉ được bán trong một thời gian quy định, cũng như trong các ngày lễ, Tết.
Nguyên tắc khi sử dụng phải dành chiều rộng vỉa hè còn lại cho người đi bộ tối thiểu 1-1,5 m, lòng đường còn lại đủ bố trí ít nhất 2 làn ô tô mỗi chiều.
Đồng thời, kiên quyết cấm những người lấn chiếm gần hết hoặc hết toàn bộ phần vỉa hè, không còn nơi dành riêng cho người đi bộ; những người buôn bán trên vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự và ATGT; những người chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường trong thời gian dài liên tục và thường xuyên.
Có thể xây dựng phương án “thí điểm” cho thuê những khu vực vỉa hè có khả năng kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề này phải được thực hiện một cách thận trọng, minh bạch, công khai trên nguyên tắc vỉa hè vẫn phải dành cho người đi bộ, nhưng nên kết hợp hài hòa giữa các công năng để đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, bảo đảm lợi ích xã hội không bị xâm hại, đồng thời giữ được nét đặc trưng văn hóa.
Về lâu dài, nhà nước quan tâm phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, tìm ra giải pháp giúp cho người dân nói chung, nhất là những người “mua gánh bán bưng” vốn lâu nay “bám” vỉa hè mưu sinh, có chỗ nơi làm ăn thuận lợi, kiếm kế sinh nhai phù hợp với điều kiện và khả năng của mình để họ an cư lạc nghiệp.
Bài, ảnh: HỒNG THANH