Hộ kinh doanh tàu hủ ky Thành Đạt (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) đầu tư lò hơi, chảo inox vào sản xuất đã giúp cơ sở giảm 1/3 chất đốt, nhân công đảm bảo môi trường làm việc,… |
Thời gian qua, bằng nguồn kinh phí khuyến công của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long (Sở Công Thương) đã triển khai thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất. Cùng với đó, các chương trình xúc tiến thương mại cũng hỗ trợ tích cực cho các chủ thể tăng cường kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tiếp sức cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long, trong năm 2024 đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện 22 đề án thuộc các nhóm đề án như: Đề án Tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn; Đề án Tham gia hội chợ, triển lãm và kết nối cung cầu trong nước; Đề án Cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Đề án Nâng cao năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công; Đề án Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; Đề án Hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm và Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long năm 2024, với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng.
Theo đó, các đề án sẽ lựa chọn hỗ trợ những doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, khả năng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Thành công của các đề án đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao tay nghề lao động cho công nhân, nâng cấp, lắp đặt dây chuyền công nghệ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm như hỗ trợ Hộ kinh doanh tàu hủ ky Thành Đạt (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) đầu tư lò hơi, chảo inox vào sản xuất.
Hoạt động này đã giúp cơ sở giảm 1/3 chất đốt, thời gian ra sản phẩm từ 24 giờ giảm còn 17 giờ, nhân công giảm; môi trường làm việc an toàn hơn; chất lượng sản phẩm được nâng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đồng hành với địa phương chuyển đổi, giữ gìn và phát triển làng nghề tàu hủ Mỹ Hòa, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long cũng đã hỗ trợ các nội dung khác như: Thiết kế bao bì mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; tập huấn nâng cao ý thức chấp hành bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân.
Ông Đoàn Minh Cảnh- Cơ sở Tàu hủ ky Minh Cảnh cho hay: “Trước đây, cơ sở chủ yếu vô bịch theo số lượng yêu cầu của khách hàng. Song từ khi Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long hỗ trợ làm nhãn mác, bao bì có truy xuất nguồn gốc thì tôi thấy sản phẩm đẹp, bắt mắt và tạo được độ tin cậy nhiều hơn cho khách hàng”.
Không những vậy, theo ông Đoàn Minh Cảnh nhờ có truy xuất nguồn gốc và quảng bá nhiều khách hàng cũng đã tìm cơ sở để xem quy trình sản xuất, rồi đặt vấn đề mua hàng. “Cùng với đó, dịp Tết này tôi cũng cho ra mắt mẫu hộp thích hợp làm quà tặng. Tôi mong thời gian tới trung tâm sẽ hỗ trợ cho mình nhiều hơn về giới thiệu sản phẩm, trang thiết bị sản xuất hiện đại hướng đến thị trường khách rộng khắp cả trong, ngoài nước. Đặc biệt là hệ thống các siêu thị để sản phẩm tàu hủ ky Mỹ Hòa phát triển bền vững”.
Ông Đinh Công Hoàng- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh tiếp lời: “Sự hỗ trợ Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long về nhãn hiệu, bao bì, máy hút chân không, bà con làng nghề rất phấn khởi và tiếp thêm động lực rất lớn trong việc duy trì, phát triển nghề truyền thống, xứng danh sản phẩm làng nghề Di sản phi vật thể quốc gia”.
Hơn 70 năm hình thành và phát triển, hiện làng nghề có 33 hộ với hơn 200 lao động gắn bó và sản xuất ra thị trường khoảng 7 tấn tàu hũ ky/ngày.
Năm 2013, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh”. Đến năm 2019, thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là OCOP) của tỉnh Vĩnh Long, làng nghề tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa được tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Tháng 8/2022, nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Với tâm huyết của người dân làng nghề, sự quan tâm từ các cơ quan chức năng trong tỉnh cùng các danh hiệu, chứng nhận đã đạt được đang mở ra cơ hội quảng bá, thúc đẩy phát triển sản phẩm làng nghề mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư phát triển
Ấp ủ hi vọng nâng tầm vị thế của củ khoai lang quê hương ở cả thị trường nội địa và quốc tế, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, năm 2016 ông Tăng Tiến Đạt (khóm Thành Nhân, TT Tân Quới, huyện Bình Tân) đã thành công với việc sản xuất khoai lang chiên vị mật ong, khoai lang chiên tẩm gia vị.
Năm 2024, là 1 trong 5 đơn vị được nhận hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ các cơ sở doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến và sản xuất công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp” với số tiền 184 triệu đồng ông Tiến Đạt đã đầu tư thêm mấy sấy.
Ông Tăng Tiến Đạt- Hộ kinh doanh Tiến Đạt chia sẻ:“Chiếc máy sấy đa năng này thật sự cơ sở đang rất cần. Vì sau khi hàng sản xuất xong phải ly-tâm sạch hết, rồi cần đưa vô sấy để khoai ngon, giòn xốp và khô dầu hơn, kéo dài thời gian bảo quản, chất lượng sản phẩm được nâng lên”.
Cũng theo ông Tăng Tiến Đạt, hiện cơ sở của ông đang sản xuất đơn hàng theo hợp đồng cho công ty Việt Nam xuất hàng sang Hàn Quốc. Đây là cơ hội tốt để ông có thể mở rộng thị trường ra nước ngoài trong tương lai.
Cũng trong năm 2024, cơ sở tiếp tục được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu. Qua đó, góp phần nâng uy tín sản phẩm, tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng như thu nhập cho người lao động. Hiện tại, bình quân mỗi tháng cơ sở cung ứng cho thị trường hơn 2 tấn sản phẩm khoai lang sấy mật ong, mắm hành, phô mai và rong biển.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu, năm 2023 Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long tiếp tục triển khai đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển Thương hiệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, với mức kinh phí hơn 113 triệu đồng.
Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương hiệu và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế nhận diện thương hiệu (logo, slogan, bao bì…); hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói…
Qua đó cũng cho thấy, nhu cầu hỗ trợ để mở rộng, phát triển của các đơn vị trên địa bàn còn rất lớn. Năm 2024, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số cơ sở, doanh nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Hộ kinh doanh Tiến Đạt (khóm Thành Nhân, TT Tân Quới, huyện Bình Tân) được hỗ trợ máy góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm…
|
Bà Lư Thị Hồng Ly – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nhấn mạnh: “Trong năm 2024 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tập trung hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới chế biến. Nội dung là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, mẫu mã bao bì mới, hỗ trợ tập huấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối cung cầu,… Trong đó, đã tổ chức 4 lớp tập huấn thương mại liên quan đến sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Tik Tok thu hút rất đông các cơ sở, doanh nghiệp tham gia vì đánh vào đúng nhu cầu thực tế: tiếp cận khách hàng, tạo thêm đầu ra sản phẩm”.
Để các hoạt động khuyến công đạt được hiệu quả tối ưu trong thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí khoảng 32,72 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia 9,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 23,32 tỷ đồng. Đặt mục tiêu ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp đặc trưng và lợi thế của tỉnh, sản phẩm truyền thống, làng nghề nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202501/hieu-qua-tich-cuc-tu-cac-chinh-sach-khuyen-cong-0745589/