(VLO) Nhằm dự báo về tình hình mùa khô 2025, qua đó, có những khuyến cáo cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt thích ứng hạn- mặn, phóng viên Báo Vĩnh Long vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL.
Ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL. |
* Thưa ông, xin ông cho biết nhận định, dự báo về tình hình hạn mặn mùa khô 2025?
– Về thời tiết, hiện nay thời tiết vẫn đang trong giai đoạn ENSO trung tính và có khả năng khoảng 57% sẽ xuất hiện tình trạng La Nina trong tháng 12, có thể kéo dài sang tháng 3/2025. Theo đó, mùa khô năm 2025 tới đây sẽ ít khả năng có nắng nóng gay gắt.
Về tình hình mực nước sông Mekong, hiện nay mực nước trong lưu vực Mekong bắt đầu hạ và chuyển sang mùa khô. Đến thời điểm này, diện tích ngập trong toàn lưu vực vẫn còn khoảng 14.900km², theo bản tin của Trung tâm Stimpson, tức là cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Đáng lưu ý là đỉnh lũ năm nay đến muộn hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm.
Theo đó nước sẽ rút chậm hơn 1 tháng so với trung bình, có nghĩa là đầu mùa khô năm 2025 nước sông Mekong vẫn sẽ dồi dào, tương tự như hồi đầu mùa khô 2024 vừa qua.
Về tình hình các đập thủy điện sông Mekong, 58 đập trên lưu vực Mekong do Trung tâm Stimpson theo dõi gồm các đập ở Trung Quốc và các đập chi lưu ở hạ lưu vực Mekong đang trữ khoảng 46 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích. Thông thường vào cuối mùa mưa thì các đập đóng lại để dành nước và sang các tháng mùa khô sẽ xả ra phát điện.
Với các lý do trên có thể suy đoán với khả năng cao rằng mùa khô 2025 vùng ven biển ĐBSCL sẽ ít khả năng bị khô hạn.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những thời điểm mặn thọc sâu vào đất liền theo các nhánh sông Cửu Long vào những đợt nước rong vào ngày rằm và cuối tháng âm lịch trong các tháng mùa khô. Sự thọc sâu của nước mặn vào đất liền này chỉ trong vài ngày theo thủy triều, sau đó rút ra. Hiện tượng này không thực sự là “xâm nhập mặn” trong thời gian dài như hồi mùa khô 2016 và 2020.
* Vì sao mặn càng ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền theo các nhánh sông, thưa ông?
– Một trong các lý do mặn càng ngày càng thọc sâu vào trung tâm ĐBSCL theo thủy triều thậm chí khi mà mực nước sông Mekong không cạn kiệt trong mùa khô, là vì tất cả các nhánh sông Cửu Long từ biển vào đều có đê cao ven sông và cống ngăn mặn đóng bít lại vào mùa khô và vùng ven biển có nhiều vùng ngọt hóa. Thủy triều từ biển vào không có không gian lan tỏa vào sông nhánh và đất đai hai bên sông nên đi thẳng trong lòng sông vào vùng trung tâm đồng bằng.
Các nguyên nhân khác của vấn đề này là nước biển dâng, dù với tốc độ khá chậm chỉ khoảng 3,6mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm cũng đáng kể. Trong khi đó đồng bằng đang sụt lún với tốc độ gấp 3-4 lần nước biển dâng do sử dụng nước ngầm quá mức, theo đó đồng bằng ngày càng thấp hơn so với mực nước biển nên mặn sẽ thọc vào sâu hơn trong đất liền.
Bên cạnh đó việc khai thác cát quá mức làm lòng sông bị hạ thấp nên mặn cũng dễ thọc sâu hơn.
* Trong tình hình mặn không thực sự xâm nhập trong thời gian dài như hồi mùa khô 2016 và 2020, ông có khuyến cáo gì cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt?
– Với tình hình chung như đã phân tích ở trên, mùa khô tới đây người dân có thể khá yên tâm rằng ít có khả năng nắng nóng, khô hạn. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, sẽ có những thời điểm mặn thọc sâu theo các nhánh sông cái vào đất liền theo những con nước rong ngày rằm và cuối mỗi tháng âm lịch.
Nhưng những lần mặn vào sâu như thế chỉ là trong dòng sông chính và chỉ trong vài ngày nước rong hoặc trong vài giờ nước lớn vào những ngày nước rong. Do đó, nếu có nghe thông tin về mặn thọc sâu vào đất liền trong mùa khô tới từ tháng 3 trở đi đến tháng 5 dương lịch, bà con nông dân cũng không nên quá lo lắng.
Ngược lại, vì tình hình thời tiết sắp chuyển sang giai đoạn La Nina, tức là giai đoạn có mưa, thì rất có thể mùa khô năm nay sẽ có mưa trái mùa từ tháng 12 này tới tháng 3 năm sau.
Hiện tượng La Nina sắp tới, nếu xuất hiện, thì cũng không mạnh lắm, theo đó mưa trái mùa sẽ có nhưng cũng không dữ dội. Mưa trái mùa có thể gây ảnh hưởng đến lúa mùa khô, đặc biệt trong giai đoạn trổ bông, làm đòng và gây ngập cục bộ ảnh hưởng đến dưa hấu, hoa màu có củ như đậu phộng, củ hành. Bà con trồng các loại hoa màu này nên chú ý vấn đề mưa trái mùa.
TUYẾT HIỀN (thực hiện)
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202412/phong-van-han-man-mua-kho-2025-khong-qua-khac-nghiet-a6e7162/