(VLO) Tại hội thảo: “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh- kinh tế xanh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long”, các chuyên gia, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất hệ thống các giải pháp, chiến lược phát triển nông nghiệp xanh (NNX), kinh tế xanh (KTX) tại địa phương.
Qua đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, định hướng các chiến lược xây dựng và phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Xu hướng NNX, KTX
Theo PGS.TS.Lê Nguyễn Đoan Khôi- Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Trường ĐH Cần Thơ), có 4 yếu tố then chốt tác động đến hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực NNX. Đó là, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thị trường và nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ chính sách và nguồn lực, nguồn nhân lực và đào tạo. Theo đó, áp dụng công nghệ tiên tiến và các phương pháp sản xuất bền vững là rất cần thiết cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong NNX.
Bên cạnh đó, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ, an toàn và thân thiện với môi trường đang gia tăng, tạo cơ hội cho các DN khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực NNX. Đồng thời, cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về NNX, kỹ năng kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Thực phẩm hữu cơ, an toàn và thân thiện môi trường, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. |
Theo PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, ĐBSCL sở hữu nguồn lực tự nhiên phong phú, thích hợp cho NNX. Đặc biệt cơ cấu lao động dồi dào, đặc biệt là lao động trẻ. Do đó, khai thác có hiệu quả nguồn lực thiên nhiên và lao động là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển NNX và nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, sự phát triển của nền NNX cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan gồm Chính phủ, DN, người dân và cộng đồng.
PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi cũng cho rằng, để phát triển bền vững chuỗi giá trị các sản phẩm OCOP, cần tập trung vào các giải pháp chiến lược bao gồm nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường và tăng cường liên kết hợp tác.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Võ Hồng Tú (ĐH Cần Thơ), sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn liền với tài nguyên bản địa không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường thông qua các phương pháp canh tác bền vững, giảm thiểu sử dụng hóa chất và phát thải khí nhà kính. Vùng ĐBSCL đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP điển hình, với phương pháp canh tác thân thiện với môi trường. Điều này giúp tạo ra giá trị kinh tế lâu dài cho cộng đồng và đồng thời góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực…
Theo các chuyên gia, một sản phẩm OCOP tiêu biểu theo hướng NNX, KTX tại Vĩnh Long là sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi. Theo đó, để nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nông dân trồng bưởi Năm Roi đã áp dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu độc hại.
Mô hình canh tác này không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà còn giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn nước và đất đai tại địa phương. Sản phẩm bưởi Năm Roi Vĩnh Long đã được chứng nhận OCOP và xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Hoa Kỳ và EU…
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ NNX, KTX
Đúc kết bài học thực tiễn trong việc sản xuất sản phẩm OCOP theo hướng NNX, PGS.TS. Võ Hồng Tú cho rằng, những mô hình khởi nghiệp thành công trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã chứng minh tầm quan trọng của liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ trong phát triển NNX và KTX.
“Để tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính sách và tài chính cho các mô hình khởi nghiệp. Việc khuyến khích liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là điều cần thiết để các DN tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Đồng thời xây dựng thương hiệu, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm xanh, sạch và thân thiện với môi trường”- PGS.TS. Võ Hồng Tú chia sẻ.
Hiện Vĩnh Long đã và đang triển khai chương trình OCOP với nhiều sản phẩm đặc trưng như trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu địa phương. Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và tăng cường khả năng tiêu thụ, theo ThS. Huỳnh Ngọc Thái Anh (Trường Công nghệ thông tin và truyền thông – ĐH Cần Thơ), cần áp dụng các giải pháp công nghệ số một cách hiệu quả hơn. Để đạt được điều này thì các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đến phát triển các nền tảng số phục vụ quản lý và tiêu thụ sản phẩm.
“Ngoài ra, việc mở rộng sử dụng các sàn thương mại điện tử như Lazada, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee,… để giúp các sản phẩm OCOP tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Đồng thời nên tập trung vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, nhấn mạnh vào chất lượng và giá trị văn hóa đặc trưng để thu hút sự quan tâm của khách hàng…”- ThS. Huỳnh Ngọc Thái Anh nhận định.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, áp dụng công nghệ Blockchain vào việc quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ giúp ghi lại toàn bộ quy trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng kiểm tra tính xác thực của sản phẩm thông qua mã QR. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm đang là thế mạnh của tỉnh.
Vĩnh Long tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. |
Cũng theo các chuyên gia, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh việc liên kết với các tổ chức quốc tế và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài, học tập từ các dự án hợp tác với Nhật Bản, EU về phát triển nông nghiệp bền vững. Những chương trình này không chỉ mang lại nguồn tài chính mà còn chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến trong quản lý chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Từ những giải pháp trên, nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp tỉnh Vĩnh Long không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu mà còn gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho nền kinh tế nông thôn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Long có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tạo dấu ấn riêng trên bản đồ OCOP Việt Nam trong thời gian tới.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202411/day-manh-tieu-thu-san-pham-tu-nong-nghiep-xanh-e254e7b/