(VLO) Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của sông nước miền Tây. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp vào buổi sáng. Là chợ nổi nhưng buôn bán sầm uất chẳng thua gì các chợ ở trên bờ.
Mùa thu hoạch nông sản, chợ đông đến mức hàng hóa trên ghe xuồng kéo dài hàng cây số, trên những khúc sông tạo không khí mua bán rất sôi động.
Ở miền Tây, những cái tên như chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long)… một thời “nổi như cồn”.
Nét riêng của chợ là trên mỗi ghe xuồng có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm cần bán. Muốn mua gì chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết thứ gì mình cần mua.
Theo thời gian, tập quán sinh hoạt thay đổi, cuộc sống của thương hồ ngày càng khó khăn nên người dân đã bỏ ghe, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh, chợ nổi theo đó “chìm” dần. Không chỉ mất đi một phần ký ức trăm năm của người dân vùng sông nước, mà còn mất đi sức hút của một sản phẩm du lịch từ lâu đã thành thương hiệu.
Vực dậy chợ nổi bằng việc bảo tồn gắn với hoạt động du lịch là cách mà nhiều địa phương đang làm. Như TP Cần Thơ, từ năm 2016, địa phương đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng với phương án là giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh lại chợ. Ngoài ra, cũng kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào chợ nổi để phát triển…
“Hiến kế” cho đề án này, nhiều nhà văn hóa Nam Bộ cho rằng phải gắn được hai yếu tố kinh tế thương mại và văn hóa. Bởi, nếu như chỉ tiếp cận ở góc độ văn hóa, nhiều người xem đây là một gánh nặng để duy trì, còn chỉ coi trọng yếu tố thương mại sẽ thiên lệch, mất đi “hồn cốt” của nó.
Nhiều du khách nước ngoài cũng chia sẻ, muốn giữ chợ nổi cần giữ tính dân dã, truyền thống, tính tự do của nó. Vì đó là yếu tố đặc trưng của ĐBSCL, của chợ nổi mà hiếm nơi nào có được!
N. HOÀNG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202410/bao-ton-cho-noi-mien-tay-83077fd/