Trong phiên thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin, công nghệ số đã và đang phát triển, có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, việc ban hành Luật Dữ liệu sẽ đóng góp tích cực cho việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số và Chiến lược dữ liệu quốc gia; đáp ứng yêu cầu thống nhất, đồng bộ và sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính…
* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: Nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia
Tôi nhất trí cao với sự cần thiết việc ban hành Luật Dữ liệu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi có một số ý kiến như sau:
Đối với nội dung về Giải thích từ ngữ ở Điều 3: Tôi đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia và tham chiếu các luật liên quan như Luật An toàn thông tin mạng để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ các nội dung giải thích từ ngữ. Điển hình như “dữ liệu” là một khái niệm rộng trong khi đó trong dự thảo chỉ định nghĩa đơn giản ở Khoản 1 Điều 3 “Dữ liệu là sự thể hiện dưới dạng kỹ thuật số của sự vật, sự kiện, bao gồm dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu hoặc dạng tương tự khác”. Hay tại Khoản 44 Điều 3 quy định: “Điều chỉnh, cập nhật dữ liệu là việc thực hiện bổ sung, sửa một hoặc nhiều bảng ghi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin” là chưa đầy đủ. Bởi lẽ, “Điều chỉnh, cập nhật” ngoài là việc bổ sung, sửa thì còn có thể rút bớt một hoặc nhiều bảng ghi dữ liệu.
Ở Điều 15: “Chiến lược dữ liệu”. Tôi đề nghị nên thêm vào 2 từ thành “Chiến lược dữ liệu quốc gia” để đảm bảo phù hợp với nội dung bên trong điều luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật để triển khai thực hiện được thuận lợi.
Qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo Luật có 67 điều, tuy nhiên trong đó có gần 30 điều khoản có quy định Chính phủ, một số bộ, ngành và UBND cấp tỉnh quy định chi tiết hoặc ban hành quy định hướng dẫn thực hiện. Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn ngay trong dự thảo Luật một số nội dung đã có căn cứ, xác định rõ và có tính ổn định. Hạn chế dẫn chiếu quá nhiều, dẫn đến việc khi Luật được ban hành khó triển khai do phải chờ văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, Luật Dữ Liệu là một luật có phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ bao gồm dữ liệu cá nhân mà cả các nhóm dữ liệu khác như dữ liệu của tổ chức và doanh nghiệp, có một số nội dung đang được điều chỉnh bởi một số luật liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng… Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định cảu pháp luật có liên quan, để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
* Đại biểu Trịnh Minh Bình: Đề nghị xác định rõ loại dữ liệu nào là bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài
Tôi nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Qua nghiên cứu, hiện nay liên quan đến dự thảo luật, có 157 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, gồm 69 luật, 42 nghị định, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 41 thông tư. Tuy nhiên, Báo cáo số 895/BC-BCA của Bộ Công an mới chỉ rà soát quy định hiện hành có liên quan đến 8/69 luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác mặc dù đã được liệt kê cụ thể nhưng chưa được đánh giá, làm rõ các quy định có liên quan đến dự án Luật.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của dự án Luật này với các luật có liên quan, nhất là các luật có quy định về cơ sở dữ liệu, kể cả dự thảo Luật đang trình Quốc hội như dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số… để làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự án Luật bảo đảm tính thống nhất trong triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ hiệu quả
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tôi còn băn khoăn vì tại Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 có quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc đối với nội dung điều chỉnh là tổ chức, cá nhân.
Hoặc quy định những trường hợp nào thì được thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác để điều chỉnh trong dự án Luật, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc thu thập, quản lý thông tin đời tư nhằm bảo đảm quyền tự do cá nhân, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (tại Điều 18), đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định về về thời gian cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội khi có có yêu cầu là trong bao nhiêu ngày phải cung cấp, quy định thêm cơ chế để đảm bảo tính khả thi trong trường hợp không cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội khi có yêu cầu.
Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25), đề nghị xác định rõ loại dữ liệu nào là bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, các trường hợp được thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài… trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu. Đề nghị rà soát quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định chuyển giao dữ liệu, tuân thủ theo quy định.
B.THANH – Đ.THI (ghi)
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202410/thao-luan-du-an-luat-du-lieu-de-nghi-xac-dinh-ro-loai-du-lieu-nao-la-bi-cam-hoac-han-che-chuyen-ra-nuoc-ngoai-9104aac/