(VLO) Trước cảnh báo nhiều nơi trong tỉnh có nguy cơ ngập úng do mưa bão kết hợp triều cường, ngành chức năng, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó.
Triều cường kết hợp mưa lớn, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở nhiều nơi. |
Đỉnh triều có khả năng xuất hiện vào ngày 20, 21/9
Theo ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong kỳ triều rằm tháng 8 âl mực nước các trạm nội đồng trong tỉnh dao động quanh mức báo động III, cụ thể: Ba Càng 1,9m; Phú Đức 1,9m; Nhà Đài 1,9m; Tân Thành 1,95m; Tích Thiện 2,05m; Vũng Liêm 2m.
Dự báo, đỉnh triều có khả năng xuất hiện vào ngày 20, 21/9 (nhằm ngày 18, 19/8âl) ở mức trên báo động III khoảng 0,1m.
Bên cạnh đó, trong những ngày qua, cũng đã xảy ra mưa diện rộng, lượng mưa phổ biến 20-40mm. Trong những ngày tới, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc và Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông (sau đó mạnh lên thành bão số 4) tỉnh tiếp tục có mưa diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 10-20mm, có nơi trên 30mm.
“Người dân cần đề phòng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn kết hợp với mực nước trên các sông, rạch nội đồng dâng cao nguy cơ gây ngập úng ở một số khu vực thuộc nội ô TP Vĩnh Long và vùng ven sông, trũng, thấp.
Mưa lớn kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng, không thuận lợi cho các hoạt động diễn ra ngoài trời.
Để chủ động phòng tránh nhằm giảm nhẹ thiệt hại do mưa lớn gây ra, đề nghị các cấp, ngành và địa phương chú ý theo dõi các bản tin thời tiết nguy hiểm tiếp theo”- ông Giang cho biết thêm.
Đảm bảo an toàn cho sản xuất
Địa phương chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai. |
Trước những cảnh báo trên, các địa phương, người dân cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó mưa lũ, triều cường. Chú Lê Văn Lắm (xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết: “Tôi thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo của ngành chức năng, tôi đã chuẩn bị bao cát để che chắn nước tràn vào nhà khi triều cường, kiểm tra chằng chống lại mái nhà.
Còn ngoài ruộng thì tôi kiểm tra ống bọng, bờ bao, chuẩn bị máy bơm nước để thoát nước kịp thời khi có mưa lớn”.
Là địa phương có nhiều lồng bè nuôi thủy sản trên sông, ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Long Hồ) cho biết: Xã có hơn 1.000 lồng bè nuôi thủy sản các loại.
Trước khi vào mùa mưa bão, xã cũng đã vận động các hộ nuôi kiểm tra và hướng dẫn neo đậu các lồng, bè nuôi thủy sản đúng kỹ thuật đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, xã cũng phân công lực lượng trực phòng chống thiên tai, theo dõi diễn biến triều cường, mưa bão để thông báo kịp thời cho người dân nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh, nạo vét kênh, kiểm tra cống bọng để kịp thời gia cố, sửa chữa khi có hư hỏng.
Tại huyện Vũng Liêm, ông Lê Văn Thăm- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT, cho hay: Để chủ động ứng phó mưa bão, triều cường, ngành nông nghiệp huyện cũng đã khẩn trương triển khai phương án bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp.
Trước những cảnh báo về mưa lớn kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, huyện cũng vận động người dân chằng chống nhà cửa, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới; vận động nông dân tích cực gia cố bờ bao, khơi thông kênh mương, bơm tát nước để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, cây ăn trái và rau màu…
Song song đó, yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra lại hệ thống đê bao, khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở để có biện pháp gia cố kịp thời.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến của đợt triều cường rằm tháng 8 âl, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, diễn biến đợt triều cường trên các sông, kênh, rạch trong tỉnh, thông tin kịp thời từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và người dân, nhất là vùng thấp, vùng trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng chống điện giật, đuối nước… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư, bị ngập nước…
Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), cho biết: Thời gian tới, ngành chức năng sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến tình hình thiên tai, triều cường, thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho người dân địa phương biết để chủ động ứng phó.
Đồng thời, tổ chức tuần tra, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”; không để xảy ra tình trạng vỡ bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Phối hợp các địa phương cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt…
Bài, ảnh: THẢO LY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202409/san-sang-ung-pho-mua-bao-trieu-cuong-93061f4/