(VLO) Trong suốt 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt Nghị quyết số 33), Hội Nông dân (ND) tỉnh đã đóng góp vai trò quan trọng của mình trong việc thực hiện các mục tiêu nghị quyết, có nhiều nỗ lực để đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng khu dân cư văn hóa, xã NTM góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn thêm sáng, xanh, sạch, đẹp. |
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Sau khi Nghị quyết số 33 được ban hành, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xác định giá trị chuẩn mực về văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, giá trị đạo đức và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, hội viên ND.
Từ đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tổ chức hơn 6.600 cuộc tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 33 lồng ghép với các văn bản của Trung ương và của tỉnh về văn hóa, văn nghệ, tư tưởng, đạo đức, lối sống,… đến các cấp hội trong tỉnh, có trên 373.700 lượt hội viên, ND tham dự.
Trang thông tin điện tử của Hội ND tỉnh thường xuyên cập nhật, đăng tải gương ND sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng NTM, đô thị văn minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng người ND Việt Nam phát triển toàn diện và tham gia xây dựng môi trường văn hóa phát triển lành mạnh ở khu vực nông thôn, các cấp hội ND trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 song song phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, công chức, hội viên, ND vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, những hiệu quả của các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa mang lại kết hợp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hương ước, quy ước ở khu dân cư… thu hút trên 106.440 gia đình hội viên, ND đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.
Qua bình xét, có trên 98% hộ hội viên, ND đạt chuẩn văn hóa, góp phần để tỉnh đạt 98,82% gia đình văn hóa năm 2023.
Tham gia xây dựng NTM, các cấp hội vận động hội viên, ND hiến 6.873m² đất, nâng cấp sửa chữa 23,6km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp 37 cầu, cống trên 2,690 tỷ đồng và đóng góp 3.953 ngày công lao động. Vận động thành lập mới 474 mô hình “ND tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Hộ gia đình hội viên, ND cũng thường xuyên cắt tỉa hàng rào cây xanh, trồng hoa trước cửa nhà, cải tạo nhà cửa khang trang, tạo cảnh quan môi trường nông thôn thêm sáng, xanh, sạch, đẹp góp phần cho tỉnh đạt 75 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu) và 3 huyện NTM.
Các cấp hội tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nhân các ngày lễ lớn và nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội ND Việt Nam hàng năm, như: Hội thi Nhà nông đua tài; Liên hoan Tiếng hát ND; Giải Bóng đá Thanh niên- ND; Giải Bóng chuyền ND; sinh hoạt đờn ca tài tử. Vận động cán bộ, hội viên, ND tích cực tham gia các CLB đờn ca tài tử, hát với nhau vào các ngày cuối tuần để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, ND.
Chú trọng phát huy vai trò nông dân xây dựng đời sống văn hóa
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết số 33 vẫn còn những mặt hạn chế.
Hội viên, nông dân vừa lao động sản xuất, vừa tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo sân chơi bổ ích, nâng cao giá trị văn hóa tinh thần. |
Đơn cử như công tác tuyên truyền các nội dung Nghị quyết số 33 có lúc có nơi chưa được thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng. Vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và thực hiện hương ước, quy ước một số địa phương chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong hội viên, ND…
Để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33 đạt được nhiều kết quả khả quan hơn trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tiếp tục triển khai, quán triệt Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng đến các cấp Hội ND trong tỉnh, trong đó sẽ tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, hội viên, ND về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Hàng năm, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa thành chỉ tiêu, kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện và thực tiễn của đơn vị. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.
Phát huy vai trò chủ thể của ND trong xây dựng đời sống văn hóa, hạn chế và từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở, nhất là phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi, sáng tạo kết hợp học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phối hợp các ngành liên quan ở địa phương vận động và hỗ trợ, tạo điều kiện duy trì hoạt động các CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và ND tham gia.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, Hội ND tỉnh Vĩnh Long đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và vật chất của người dân.
Phát huy những kết quả đạt được, Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục chung tay cùng với các cấp, các ngành xây dựng nền văn hóa mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202408/phat-huy-vai-tro-hoi-nong-dan-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-nong-thon-28f6d41/