Thời gian qua, ngành công thương không ngừng đầu tư nhằm phát triển hạ tầng thương mại (TM), hạ tầng TM điện tử của tỉnh. Qua đó góp phần mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, đa dạng về ngành nghề kinh doanh và tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua sắm.
Thương mại phát triển theo hướng văn minh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân. ẢNH: THẢO LY |
Thời gian qua, ngành công thương không ngừng đầu tư nhằm phát triển hạ tầng thương mại (TM), hạ tầng TM điện tử của tỉnh. Qua đó góp phần mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, đa dạng về ngành nghề kinh doanh và tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua sắm.
Hạ tầng thương mại phát triển
Theo Sở Công Thương, từ năm 2023 đến nay, mặc dù ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, song hoạt động TM, dịch vụ của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh, mạng lưới phân phối hàng hóa tiếp tục được tăng cường và mở rộng về số lượng và đa dạng về ngành nghề kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua sắm, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 58.410 tỷ đồng, tăng 1,23 lần so với năm 2018. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 40.600 tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2023. Tính đến nay, toàn tỉnh có 115 chợ gồm 1 chợ hạng 1, 17 chợ hạng 2 và 97 chợ hạng 3; 5 siêu thị, 2 trung tâm TM và 44 cửa hàng tiện ích.
Phát triển hạ tầng TM điện tử, hiện đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch TM điện tử ngành công thương và sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long. Ngành công thương cũng đã thực hiện nhiều nội dung phát triển TM điện tử như hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp (DN) xây dựng, phát triển website, hỗ trợ ứng dụng chữ ký số,… Trong đó, xây dựng sàn giao dịch TM điện tử ngành công thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ phát triển lĩnh vực TM điện tử trên địa bàn, đưa TM điện tử trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN…
Thực tế cho thấy, khi mức sống của người dân ngày càng tăng cao thì tâm lý và thói quen mua sắm cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt là đối với các siêu thị, trung tâm TM, cửa hàng tiện ích, người dân không chỉ mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi… Song song đó, đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm định nghiêm ngặt hơn…
Theo ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi và các kênh bán hàng, phân phối cũng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích. Tại siêu thị, người tiêu dùng có thể tự do lựa chọn, mua sắm với nhiều mức giá, nhiều sự ưu đãi cần thiết. Đặc biệt, luôn có bộ phận chăm sóc khách hàng khi hàng hóa có vấn đề, hoặc không đạt chất lượng,…
Phát triển theo hướng văn minh
Theo Sở Công Thương, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành công thương đến năm 2030, trong lĩnh vực TM sẽ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại gắn với hệ thống TM truyền thống; thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh, dần hình thành hệ thống liên kết giữa người sản xuất với hệ thống phân phối theo chuỗi ngành hàng, giữa các chợ truyền thống với hệ thống TM điện tử.
Cụ thể, sẽ quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới chợ nông thôn; xây dựng phương án và tổ chức khai thác kinh doanh chợ một cách hiệu quả theo đề án chợ văn minh và an toàn thực phẩm; tổ chức lại hoạt động TM trong chợ theo hướng hàng hóa nông, lâm, thủy sản dùng làm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Giai đoạn đến 2030, tập trung thực hiện đối với chợ TP Vĩnh Long và TX Bình Minh, các chợ thị trấn. Trong khi đó, phấn đấu đến năm 2030, có tỷ lệ hàng hóa phân phối qua các kênh TM điện tử chiếm khoảng 10,5-11%; tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 38-42%. Đặc biệt là tích cực thu hút vốn đầu tư từ các DN trong và ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng TM theo hướng văn minh, hiện đại…
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành công thương sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TM điện tử, đa dạng về hình thức và nội dung. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN phát triển website, ứng dụng công nghệ số tham gia hoạt động TM điện tử góp phần tăng hiệu quả hoạt động cho DN…
Hạ tầng thương mại, thương mại điện tử từng bước phát triển. Ảnh: KHÁNH DUY |
Theo bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (TP Vĩnh Long), hiện nay, DN cũng đã và đang hoàn thiện hệ thống TM điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Việc mua bán ở các sàn giao dịch điện tử là xu hướng tất yếu, do đó, để hàng hóa dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, DN cần thiết phải phát triển số, TM điện tử cho mình.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Trần Nhựt Thanh, thời gian tới, sẽ phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh… Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng TM điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là phát triển hạ tầng TM, tập trung phát triển TM tại TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, huyện Tam Bình theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển TM truyền thống.
KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/phat-trien-ha-tang-thuong-mai-theo-huong-van-minh-3186111/