(VLO) Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long chú trọng xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) thông qua các dự án, chương trình, các mô hình sản xuất NN tích hợp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, gia tăng giá trị, đảm bảo đầu ra và thân thiện môi trường. Nhiều mô hình ứng dụng CNC đạt hiệu quả và từng bước được nhân rộng.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. |
Nhiều mô hình đạt hiệu quả
Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và duy trì mô hình canh tác ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận hữu cơ như: mô hình sản xuất gạo hữu cơ thảo dược Tấn Đạt của HTX Sản xuất dịch vụ NN Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm) với 30ha đạt chứng nhận, sản lượng gần 500 tấn/năm, sản phẩm đã đáp ứng theo chuẩn USDA, EU, JAS và 115ha sản xuất theo hướng hữu cơ có đầu ra ổn định và sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng đi kèm như gạo hữu cơ, gạo tím thảo dược; áp dụng cơ giới hóa 100% khâu làm đất, thu hoạch và 100% diện tích được sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV.
Mô hình dừa hữu cơ 38,54ha với 93 hộ nông dân xã Trung An (huyện Vũng Liêm) đạt chứng nhận hữu cơ EU, USDA và đang tiếp tục mở rộng sang các địa phương khác.
Vùng trồng cam theo hướng hữu cơ của HTX NN Phương Thúy (huyện Trà Ôn) 10ha, năng suất 6-8 tấn/ha. Mô hình cải xà lách xoong theo hướng sản xuất hữu cơ 12ha…
Bên cạnh đó, năm 2023, tỉnh cũng triển khai hỗ trợ chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc mô hình CNC cho 7 nhà màng trồng dưa lưới (TP Vĩnh Long), 4 mô hình tưới phun thông minh trên xà lách xoong (TX Bình Minh), 2 ứng dụng hệ thống tưới tự động thực hiện mô hình chuyển đổi số trong canh tác cây sầu riêng, nhãn theo hướng hữu cơ (huyện Bình Tân)…
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình, ngành NN huyện đã tập trung thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng CNC, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ như: lúa, rau màu, cây có múi, cây ăn trái chủ lực của huyện.
Song song đó, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất NN và sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Theo đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân, đang tiếp tục duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng, như: mô hình trồng mít ruột đỏ theo chuỗi giá trị đạt chứng nhận VietGAP (xã Hậu Lộc), mô hình trồng chanh không hạt cấp mã số vùng trồng xuất khẩu (xã Ngãi Tứ), mô hình nuôi lươn giống, lươn thương phẩm (xã Mỹ Lộc); mô hình trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng CNC (xã Phú Lộc và xã Mỹ Thạnh Trung).
Tại TX Bình Minh, theo Phòng Kinh tế, thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, NN ứng dụng CNC được quan tâm thực hiện, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm ngày càng được mở rộng, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả.
Năm 2023, thị xã đã đầu tư hoàn thành xây dựng vùng nguyên liệu xà lách xoong ấp Thuận Thành, xã Thuận An với trên 23,5ha của 50 hộ sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, đạt OCOP 3 sao; đầu tư hạ tầng điện, đường giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất tương đối đồng bộ; sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa, được kết nối vào hệ thống siêu thị; triển khai thí điểm thành công 4 điểm mô hình ứng dụng tự động hóa tưới qua smartphone, 6 điểm mô hình ứng dụng phân hữu cơ khắc phục chết cây vào mùa khô.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng đến nền nông nghiệp sạch
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, công nghệ cao đem lại hiệu quả. |
Tuy nhiên, theo ngành NN, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay các dự án được mời gọi đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn, đặc biệt ở khía cạnh ứng dụng CNC được triển khai vào thực tế rất thấp.
Hiện tại, toàn tỉnh chưa hình thành vùng, khu NN ứng dụng CNC và chưa có doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp NN ứng dụng CNC theo quy định.
Bên cạnh đó, chính sách đặc thù về phát triển NN ứng dụng CNC; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm hỗ trợ phát triển HTX… đã được ban hành, song việc tiếp cận chính sách chưa hiệu quả.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NN chủ yếu tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; nhưng việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin- chuyển đổi số, cơ giới hóa đồng bộ… còn hạn chế.
Để đẩy mạnh phát triển NN CNC, theo ông Lê Thanh Thuận- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành NN theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, kế hoạch của Thị ủy, UBND thị xã về phát triển NN ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2030.
Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất NN, cơ cấu sử dụng đất NN, thủy sản theo hướng giảm diện tích trồng lúa, phát triển diện tích trồng màu, cây ăn trái chuyên canh gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đa dạng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ứng dụng CNC, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Khuyến khích nông dân sử dụng các giống mới có chất lượng cao, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn, đặc biệt quan tâm phát triển các loại dịch vụ NN.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho biết: Thời gian tới, ngành NN sẽ tăng cường tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tập quán sản xuất của người dân, doanh nghiệp; hướng đến nền NN sạch.
Tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất NN. Kịp thời đánh giá và tuyên truyền giới thiệu các mô hình sản xuất NN có hiệu quả kinh tế để người dân áp dụng, nhân rộng. Triển khai hiệu quả các nghị quyết của tỉnh về thu hút đầu tư và phát triển NN trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào NN nông thôn.
Xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư ngoài ngân sách trong đó có lĩnh vực NN ứng dụng CNC, khu NN ứng dụng CNC. Đồng thời, xây dựng, đánh giá và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng CNC vào sản xuất NN hiệu quả…
Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/nong-nghiep/202408/nong-nghiep-cong-nghe-cao-xu-the-tat-yeu-3185889/