Chủ tịch UBND khẳng định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của tỉnh. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC LIÊM |
Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.
Qua các hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính (CCHC), phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023… được tổ chức gần đây, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo quyết liệt cho thấy quyết tâm, cầu thị của chính quyền địa phương, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đem lại sự hài lòng cho người dân, DN.
Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tích cực. Ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng: Các cấp, các ngành đã quyết liệt triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục quan tâm sâu sát, đồng hành để DN phục hồi và phát triển bền vững trong năm 2024. Đặc biệt, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của DN để chia sẻ và giải quyết, xử lý những khó khăn. Đồng thời, Vĩnh Long đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tăng cường phát triển.
Riêng trong tháng 7, đánh giá của Cục Thống kê cũng cho thấy, các công trình hạ tầng đô thị có bước hoàn thiện đáng kể; kinh tế phục hồi và phát triển khá. Hầu hết người lao động không còn tình trạng mất việc, thiếu việc làm như cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023; thu nhập của cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người có công tăng khá so với cùng kỳ nhờ Nhà nước áp dụng mức lương cơ sở, trợ cấp, phụ cấp, chế độ ưu đãi trong 6 tháng cuối năm 2023 và tiếp tục điều chỉnh tăng với biên độ khá lớn từ ngày 1/7… Đó là những điều kiện quan trọng giúp sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ổn định và cải thiện cuộc sống cho Nhân dân.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ gần đây, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành hết sức tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm đạt kết quả tốt nhất. “Chúng ta nhận thấy rằng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thể hiện trách nhiệm tham mưu, gác cửa các lĩnh vực do cơ quan, đơn vị quản lý để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn còn tình trạng sợ sai, đùn đẩy, nhất là những vấn đề có khó khăn, vướng mắc”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
“Vấn đề này cần rút kinh nghiệm”- bởi theo ông Lữ Quang Ngời: “Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn, góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch”.
Để vượt qua những “chướng ngại vật”
Cùng với nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo từng ngành, từng địa phương chú trọng các giải pháp cải thiện các Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), CPI, PGI.
Trong năm 2023, kết quả các chỉ số trên đây của tỉnh Vĩnh Long đứng thứ hạng không mong muốn, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn. Kết quả PAR INDEX năm 2023 của tỉnh đứng thứ 53/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 7 bậc so năm 2022); đứng thứ 9/13 ở khu vực ĐBSCL. SIPAS năm 2023 đứng thứ 48/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 3 bậc so năm 2022 ); đứng thứ 11/13 ở ĐBSCL. PAPI đứng thứ 47/61 tỉnh, thành phố (tỉnh Quảng Ninh và Bình Dương không có dữ liệu), so năm 2022 giảm 26 bậc; đứng thứ 8/13 ở ĐBSCL.
Trong khi đó, theo kết quả PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Vĩnh Long không thuộc top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, nhưng theo VCCI, tỉnh đã có sự nỗ lực cải thiện trong chất lượng điều hành qua 8 chỉ số thành phần đã cải thiện về điểm số so với năm 2022. Riêng kết quả PGI 2023 Vĩnh Long thuộc top 10 tỉnh, thành phố cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL được đánh giá là có khả năng ứng phó, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân và DN tại địa phương tốt.
Để vượt qua “chướng ngại vật” và phát huy ưu thế, sau các hội nghị đánh giá, phân tích điểm mạnh, điểm yếu các chỉ số được công bố, Chủ tịch UBND đã có công văn kết luận chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể từng ngành, đơn vị, địa phương nhằm cải thiện thứ hạng trong thời gian tới. Đối với các chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đồng thời là Trưởng BCĐ CCHC tỉnh nhấn mạnh: Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kịp thời kết quả các chỉ số năm 2023 của tỉnh đến từng công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức tại bộ phận một cửa các cấp và công chức trực tiếp làm việc với người dân. Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị, địa phương có biện pháp cụ thể xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, địa phương để tạo hiệu suất đi vào thực chất.
Xác định việc cải thiện PCI, PGI là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Đây là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”. Đồng thời nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện, phải xác định rõ trách nhiệm, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, công tác phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở. Người đứng đầu của các ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện các chỉ số PCI, PGI của địa phương, đơn vị mình, nhất là các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý”.
Vĩnh Long rất chú trọng tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, cải cách tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, chú ý việc tăng cường cải cách TTHC; xây dựng và công bố quy trình thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp. Nắm bắt thông tin cũng như quá trình giải quyết TTHC để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa hành vi vi phạm trong giải quyết hồ sơ TTHC cho DN. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong tiếp cận đất đai. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm còn nhiều thắc mắc, chưa rõ trong quy định về thủ tục hành chính. Công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của DN trên các cổng thông tin điện tử của tỉnh để theo dõi, đôn đốc kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời chỉ đạo: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác quy hoạch cán bộ, đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ đáp ứng với yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, thực hiện kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với DN; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến DN theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu DN.
|
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202408/chu-tich-ubnd-tinh-chi-dao-quyet-liet-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-3185658/